Mùa cao su thay lá.
Cụ thể, trong tháng 5/2023, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 117,08 nghìn tấn, trị giá 158,17 triệu USD. Trong tháng, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.351 USD/tấn, giảm 2,7% so với tháng 4/2023 và giảm 20,9% so với tháng 5/2022.
Lũy kế 5 tháng năm 2023, xuất khẩu cao su đạt 586,36 nghìn tấn, trị giá 810,97 triệu USD, giảm 2,1% về lượng và giảm 22,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Tháng 5/2023, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 74,55% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước.
Lũy kế 5 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc 443,68 nghìn tấn cao su, trị giá 600,19 triệu USD, tăng 10,2% về lượng, nhưng giảm 12,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 5 tháng năm 2023, trị giá xuất khẩu cao su sang các thị trường phần lớn đều sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là các thị trường lớn như: Ấn Độ (giảm 42,1%), Hoa Kỳ (giảm 60,1%), Thổ Nhĩ Kỳ (giảm 53,3%), Đức (giảm 46,6%), Đài Loan (giảm 34,2%); Trung Quốc (giảm 12,6%)….
Từ đầu tháng 6/2023 đến nay, giá cao su tại thị trường trong nước biến động nhẹ tại một số vùng nguyên liệu. Cụ thể, giá mủ nước tại Đắk Lắk giảm nhẹ về ngưỡng 240 - 245 đồng/độ; tại TP.HCM, giá mủ nước lại điều chỉnh tăng 5 đồng/độ, lên 270 đồng/độ; còn các vùng nguyên liệu khác giá cao su duy trì ổn định ở mức 245 - 290 đồng/độ.
Tại các công ty như Công ty Cao su Phú Riềng, Công ty Cao su Phước Hòa, Công ty Cao su Đồng Phú, Công ty Cao su Bình Long, giá mủ nước duy trì trong khoảng 269 - 280 đồng/độ.
Công nhân cạo mủ cao su, loại cây này được trồng chủ yếu của Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Việt Nam sở hữu 7,2% diện tích cây cao su toàn cầu
Cao su được ví như "vàng trắng" vì giá trị kinh tế mà nó mang lại.
Trong năm 2022, cả nước xuất khẩu được 2,14 triệu tấn cao su thiên nhiên, đem về 3,31 tỷ USD, tăng 9,6% về lượng và tăng 1,1% về trị giá so với năm 2021. Tuy chỉ tăng nhẹ so với năm 2021 nhưng kim ngạch xuất khẩu cao su cũng đã thiết lập mốc kỷ lục mới với 3,31 tỷ USD.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu cao su đạt trên 1 tỷ USD vào năm 2006 và luôn duy trì ở mức trên dưới 1 tỷ USD cho đến năm 2009.
Năm 2010, xuất khẩu cao su tăng trưởng đột biến, cả nước xuất khẩu 760.000 tấn cao su và lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vượt mốc 2 tỷ USD, cụ thể đạt 2,3 tỷ USD. Đến năm 2011, xuất khẩu cao su đạt 816,5 nghìn tấn và giá trị xuất khẩu tăng vọt lên đến 3,2 tỷ USD – đây là lần đầu tiên xuất khẩu cao su vượt qua 3 tỷ USD.
Từ năm 2012 đến năm 2020, xuất khẩu cao su liên tục xuống dốc và không thể vượt qua mốc 3 tỷ USD, cụ thể: năm 2012 xuống 2,85 tỷ USD; năm 2013 xuống 2,5 tỷ USD; năm 2014 xuống 1,79 tỷ USD; năm 2015 xuống 1,53 tỷ USD; năm 2016 gượng dậy ở 1,67 tỷ USD năm 2017 lên 2,25 tỷ USD; năm 2018 đạt 2,091 tỷ USD; năm 2019 lên 2,3 tỷ USD; năm 2020 đạt 2,384 tỷ USD.
Mãi đến năm 2021, xuất khẩu cao su mới vượt qua mốc 3,2 tỷ USD (3,287 tỷ USD).
Năm 2022, dù xuất khẩu cao su đã lập mức kim ngạch kỷ lục mới 3,31 tỷ USD, nhưng so với năm 2011, khối lượng cao su xuất khẩu năm vừa qua cao gấp 2,6 lần, trong khi giá trị kim ngạch chỉ cao hơn không đáng kể.
Điều này cho thấy, giá xuất khẩu mỗi tấn mủ cao su chỉ còn bằng 40% so với cách đây 11-12 năm. Giá cao su xuất khẩu bình quân năm 2022 chỉ đạt 1.547 USD/tấn, giảm 7,8% so với năm 2021.
Theo bà Phan Thị Hồng Vân, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam, diện tích cây cao su ở Việt Nam hiện có hơn 938 nghìn ha, chiếm 7,2% tổng diện tích cây cao su toàn cầu.
Sản lượng thu hoạch mủ cao su của Việt Nam đạt 1,26 triệu tấn năm 2022, chiếm 8,7% sản lượng cao su toàn cầu. Năng suất bình quân của cao su Việt Nam đạt 1.682 kg/ha, đứng thứ nhất châu Á.