Tên đầy đủ là Nguyễn Thị Thanh Nhã, nhà ở xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận). Cô bé có đôi mắt nhiều tâm sự, một trái tim thổn thức khi nói về những ước mơ của mình.
"Thương mẹ, em phải cố"
Nhã là người dân tộc Cơ Ho, năm nay 12 tuổi. 5 năm trước, ba Nhã mất trong một vụ tai nạn, mẹ đi thêm bước nữa. Hiện cả gia đình ở trong cái chòi xập xệ "3 không" (không cửa, không phòng, không nhà vệ sinh), cứ "ai thích chỗ nào ngủ chỗ đó".
Bà Hồng (mẹ Nhã) mới qua tuổi 40 nhưng đã 10 lần sinh nở. Lần sẩy thai hồi tháng 4 năm ngoái cùng biến chứng sau sinh, sức khỏe ngày càng yếu. Giữa cái nắng mùa hạ, bà vẫn đeo tất, trùm kín người vì sợ gió.
Ở nhà, Nhã chăm lo đủ thứ, từ chuyện cơm nước, áo quần đến chăm đàn gà, đám rau dù cỡ tuổi Nhã con nít ở đó chưa biết làm gì.
Gia đình cô bé có bảy người, quanh năm sống dựa vào mẫu điều ngoại cho nhưng mấy năm nay điều rớt giá. Lúc trái mùa ai thuê gì làm đó. Nghỉ hè, Nhã đi bóc mủ cao su phụ mẹ trả nợ, phần ít dành ăn sáng.
Nhã hồn nhiên kể: "Đi bóc bèo cao su thuê cho người ta, một đêm bóc 300 cây, ba ngày được 90.000 đồng. Mà bèo cao su phải bóc lẹ, để lâu nó hôi".
Mùa thu hoạch điều, sau giờ học, Nhã hay theo cha dượng lên rẫy. Cô bé luôn cố giấu sự mệt mỏi, gắng nhặt thật nhiều để có tiền cho mẹ trả nợ. Hai bàn tay Nhã đầy mủ, móng tay đen sì. Có những ngày đi nhặt điều về mệt quá, Nhã không nuốt nổi cơm tối, cứ để bụng đói, người dơ ngủ luôn.
"Nó lanh lắm, mình nó nhặt tới 14 kg/buổi, chớ cô đau bệnh, lên rẫy không có giúp được gì hết", bà Hồng chép miệng.
Từ nhà Nhã đến trường phải đi bộ gần 3 cây số, qua hai con dốc cao, trời thì nắng, đường đầy đá dăm. Nhưng Nhã nói không muốn nghỉ học sớm đi làm như hai chị lớn. Nhã ước có chiếc xe đạp để đỡ vất vả, sau giờ học có thể chạy về nhanh hơn, phụ mẹ được nhiều việc hơn.
Chỉ mong lo được cho gia đình
Nhã rủ đi thăm mộ ba. Muốn đến đó phải qua con đèo sâu hun hút, vắng bóng người. Ngôi mộ lạnh tanh, cỏ dại mọc um tùm vì khá lâu chẳng ai ghé thăm. Trong mắt bà Hồng, ba Nhã không phải người chồng không tốt.
Ông nghiện rượu, hay chửi mắng vợ con, mấy lần say đuổi đánh vợ, bà Hồng phải tìm nơi trốn. Nhưng với Nhã, ba tốt lắm bởi có lần té xe, ba đẩy Nhã ra chỗ khác, ba đỡ hết. "Em chưa bao giờ trách ba, có thế nào em vẫn muốn làm con của ba", Nhã nghẹn ngào.
Nhã kể về ước mơ cả gia đình có được cái nhà đủ ấm cúng để ngủ, để đỡ phải chịu cái lạnh buốt lúc đêm về. Cô bé thật thà nói được nhà bự thì mừng nhưng có cái nhà nhỏ nhỏ cũng là quá tốt rồi.
Bởi một thời gian sau khi ba mất, căn nhà cũng bị bão cuốn bay mái, cả gia đình phải chuyển về sống tạm bợ trong cái chòi cất tạm trên mảnh đất của ngoại, nằm biệt lập giữa thung lũng.
Mùa đông ở La Dạ lạnh lắm. Mà cái nhà tắm lộ thiên nên cả nhà phải chờ tối khuya mới dám đi tắm. Vậy chứ bữa nào trăng sáng quá lại không dám tắm vì người ta nhìn cái là thấy hết! Người mẹ có con gái đang tuổi lớn tâm sự cũng chưa biết tính sao chứ Nhã mỗi ngày thêm lớn.
Ba ra đi, hai chị lớn đi làm xa, chị kế học cấp II cũng xa nhà, Nhã bất đắc dĩ thành chỗ dựa cho mẹ sức khỏe khá yếu. Ông Hậu (ba dượng Nhã) cũng tối mày tối mặt với vườn điều, rồi làm thuê làm mướn để đắp đổi qua ngày.
Nhiều đứa trẻ khác ở quê Nhã khi được hỏi nói muốn đi học ở Sài Gòn, du học đây đó, mơ có váy công chúa. Nhã cũng từng ước được làm cô giáo nhưng lúc này chỉ khát khao "làm gì cũng được, miễn lo được cho gia đình" bởi "ước mơ lớn nhất là gia đình đông đủ, chị em sum họp, không bao giờ xa nhau" như Nhã thủ thỉ.
Câu chuyện về những ước mơ tưởng chừng đơn giản như bao đứa trẻ khác nhưng lại khá xa vời với Nhã sau khi được chia sẻ làm nhiều người xúc động. Một giảng viên đại học cùng bạn bè đã góp mua tặng Nhã chiếc xe đạp. Và lần đầu tiên, Nhã đã có chiếc bánh sinh nhật trong đời mình.
TTO - Những nụ cười đã chớm nở trên khuôn mặt 285 học sinh nghèo hiếu học của ba quận Phú Nhuận, Bình Thạnh và Gò Vấp (TP.HCM) khi đón nhận suất học bổng từ chương trình "Gieo mầm tri thức" trao tặng.