Theo thống kê, tỉnh Quảng Ngãi có 28 dự án thủy điện được cấp chủ trương đầu tư. Trong đó, có 16 dự án thủy điện đã đi vào hoạt động, phát điện từ lâu nhưng vẫn chưa hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Như dự án thủy điện Đăk đrinh (huyện Sơn Tây) có công suất 125MW, hoạt động đã 8 năm, đến nay vẫn còn nhiều hộ dân có đất bị thu hồi từ 10 năm trước vẫn chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ.
Tương tự, đối với dự án thủy điện Sơn Trà 1 cũng đi vào hoạt động, bán điện thu tiền từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa xong thủ tục đền bù đất hệ thống móng trụ đường dây 110kV qua địa bàn hai huyện Sơn Hà và Sơn Tây.
Còn dự án thủy điện Đăk Ba (huyện Sơn Tây) chủ đầu tư đã hoàn thành xây dựng khu vực lòng hồ, nhà điều hành, nhà, tổ máy phát điện và đi vào vận hành thương mại. Tuy nhiên, đến nay dự án này chưa chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất các hạng mục với tổng diện tích 13ha...
Ông Võ Văn Rân, giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất... là do vướng về cơ chế. "Nhà đầu tư làm thủ tục hành chính quá chậm, chưa nghiêm túc, thiếu trách nhiệm trong trình hồ sơ", ông Rân nói.
Tại buổi làm việc với các chủ đầu tư dự án thủy điện, ông Đặng Văn Minh, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng việc các doanh nghiệp đầu tư thủy điện và vận hành, điều tiết nước và sản xuất điện trong thời gian qua là hiệu quả.
Tuy nhiên, chủ đầu tư chưa có trách nhiệm, quan tâm trong việc xử lý các vấn đề liên quan, trong khi tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ rất nhiều về cơ chế, thủ tục từ đầu tư dự án cho đến khi đi vào hoạt động.
"Tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc các quy định, chủ trương về đất đai, hoàn thiện việc thuê đất, bồi thường thu hồi đất để đảm bảo quyền lợi của người dân trong vùng dự án", ông Minh nói.
Nạn phá rừng, lấn hồ thủy điện để "săn view" tại Đắk Nông xảy ra khá phổ biến, tồn tại nhiều năm nay nhưng các địa phương lại xử lý lúng túng, không kiên quyết.