Đó là chia sẻ của bạn đọc Tuổi Trẻ Online về câu chuyện "Đường Đà Lạt ngập sau mưa to, dân vừa khóc vừa tát nước".
Đường ở trung tâm Đà Lạt ngập lút sau mưa, người dân vừa khóc vừa tát nước
Đà Lạt - thành phố du lịch nổi tiếng mà bị ngập!
Chiều 23-6, nhiều đoạn đường tại Đà Lạt ngập sâu khoảng 0,5 mét trong trận mưa to. Một số người dân bức xúc, vừa khóc vừa tát nước ra khỏi nhà cho biết: "Nước trên đường không chảy hết, cộng nước suối Cam Ly (đoạn cắt qua đường Phan Đình Phùng) không thoát được đã tràn vào nhà, sau đó dâng cao".
Ngập cục bộ ngay trung tâm thành phố mỗi khi có mưa lớn khiến người dân bất an. "Mới mưa có một giờ thôi mà đồ đạc, hàng hóa của tôi hư hết rồi. Mưa cả ngày thì con đường này bị ngập lụt. Nếu mưa ban đêm chắc chết" - một người dân than.
Bạn đọc Kim Thanh không khỏi ngỡ ngàng: "Tôi năm nay đã 70 tuổi, chưa bao giờ thấy tình trạng nào như thế này ở Đà Lạt".
Chung nỗi thất vọng, bạn đọc Lan bày tỏ: "Sợ thật, cách đây vài năm còn mơ mộng nghỉ hưu lên Đà Lạt sống. Giờ thấy cảnh này thì thôi, đang ngủ mà nước dâng sao chạy kịp!".
Bạn đọc có nick name Vô Dụng tếu táo: "Ngày xưa mưa rơi chẳng sao, bây giờ mưa rơi là ngập, cả nước đều như vậy. Nỗi niềm này ai thấu ai hay".
"Vì sao càng sửa cống sửa đường thì càng ngập? Từ núi cao đến đồng bằng, không chỗ nào không ngập" - bạn đọc Phạm Tân đặt vấn đề.
Theo bạn đọc Liêm, "bằng chứng của việc quy hoạch thiếu tầm nhìn thoát nước đô thị là đây. Đà Lạt là thành phố du lịch nổi tiếng mà bị ngập thế này thì mất hình ảnh lắm".
"Đà Lạt là cao nguyên rất thuận lợi tiêu thoát nước mưa. Để Đà Lạt cứ mưa xuống là ngập thì nên kiểm điểm xem vì sao, để kịp thời cứu lấy thành phố mộng mơ, sương mù giăng giăng" - bạn đọc Đoàn Hòa chia sẻ.
Đà Lạt, vì sao nên nỗi?
Trong rất nhiều ý kiến đi tìm nguyên nhân của tình trạng vì sao thành phố ở cao nguyên như Đà Lạt lại ngập sau mỗi trận mưa to, bình luận của bạn đọc Tuấn nhận được hơn 120 lượt đồng tình: "Hậu quả của phát triển thiếu quy hoạch, thiếu tầm nhìn. Xứ núi mà lại ngập lụt như Đồng Tháp Mười!".
Cùng quan điểm, bạn đọc Mr Ong nhận định: "Đà Lạt như ngày hôm nay là do quy hoạch của một số chuyên gia thích làm gì thì làm. Không tham khảo ý kiến và lắng nghe từ những người có kinh nghiệm. Thật là đau lòng cho thành phố".
Còn bạn đọc Tuan Saigon chỉ rõ nguyên nhân cụ thể: "Phá rừng để xây dựng khu du lịch cho nhiều vào, bê tông hóa mặt đất tự nhiên, lấp suối để xây nhà... thì hậu quả phải lãnh thôi".
"Hậu quả của sự phát triển và bê tông hóa vô tội vạ… Sẽ còn hứng chịu nhiều sự nổi giận của thiên nhiên nữa, nếu như Đà Lạt không chịu thay đổi" - bạn đọc Anh bổ sung thêm.
Trong khi đó, theo bạn đọc Han Phong, nguyên nhân là do vừa quy hoạch lộn xộn vừa thêm nhà kính ngăn không cho nước mưa thấm xuống đất.
Và bạn đọc Thanh Cao phân tích: "Ngập cục bộ là do nhà kính trồng hoa màu mà ra. Nước mưa khi rớt xuống không thẩm thấu qua mặt đất, theo máng xối điều hướng chảy ra kênh, suối, trong khi hệ thống thoát nước của thành phố cũng chảy về các kênh, suối này.
Với địa hình đặc thù là dốc, nước chảy xiết, không thoát kịp thì chỉ 30 phút là ngập. Không bao giờ hết ngập cục bộ nếu nhà kính cứ phát triển tràn lan".
Cơn mưa chiều 23-6 đã khiến nhiều khu vực Đà Lạt ngập nặng trong khoảng 30 phút. Nước rút đi rất nhanh sau đó nhưng để lại nỗi hoang mang.