Chiều 24-6, với đa số tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
TP.HCM sẽ tập trung làm để đáp ứng niềm tin
Bên hành lang Quốc hội, chia sẻ với báo chí, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói rất vui, phấn khởi, đồng thời lo lắng về trách nhiệm, việc chuẩn bị triển khai nghị quyết thành công.
Ông bày tỏ sự cảm ơn Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, các đại biểu Quốc hội đã ủng hộ TP.HCM.
"TP.HCM sẽ nỗ lực triển khai tốt nghị quyết. Cả nước đã vì TP.HCM, TP.HCM sẽ tập trung làm để đáp ứng niềm tin đó", ông Mãi nhấn mạnh.
Cũng theo ông Mãi, như ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội, TP.HCM đã đề nghị Quốc hội kéo dài thời hạn thực hiện thí điểm nghị quyết.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan chỉnh lý dự thảo nghị quyết về thời gian sơ kết, tổng kết tương đồng với các địa phương khác đã được cho phép thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù.
Theo đó, sơ kết 3 năm việc thực hiện nghị quyết, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2026; tổng kết việc thực hiện nghị quyết, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2028.
Một đề nghị khác của TP.HCM là nếu chỉ phát hành trái phiếu trong nước thì không thể huy động được nguồn vốn lớn và rẻ để có thể triển khai các dự án hạ tầng giao thông lớn trên địa bàn TP.
Do đó, UBND TP đề xuất Chủ tịch Quốc hội xem xét và ủng hộ bổ sung cơ chế cho phép TP được phát hành trái phiếu chính quyền địa phương ra thị trường quốc tế để thực hiện hoàn thành đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị. Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM là tổ chức phát hành theo ủy quyền của UBND TP.
Bên cạnh đó, về thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP.HCM và phát hành quốc tế đã được đưa vào điều khoản thực hiện.
Theo đó, trường hợp cần tăng cường thu hút nhà đầu tư chiến lược trên cơ sở tuân thủ pháp luật, phù hợp với tình hình thực tiễn, TP.HCM lập đề án báo cáo Chính phủ trình cấp có thẩm quyền để trình Quốc hội xem xét, quyết định. Nếu giữa 2 kỳ họp thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ông Mãi nhấn mạnh, ngay sau đây, TP.HCM khẩn trương triển khai các công việc thực hiện nghị quyết. Cụ thể, ngày 7-7, TP.HCM tổ chức hội nghị cán bộ toàn TP để quán triệt nghị quyết, triển khai chỉ thị của Thành ủy, kế hoạch của HĐND, UBND.
Song song đó, UBND đã phân công các sở ngành chuẩn bị các nội dung rất cụ thể, để trình HĐND trong kỳ họp tháng 7, tháng 9, tháng 12 tới. Tiếp đó là thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác để theo tiến độ đôn đốc và bắt tay làm ngay, không chờ.
"Rút kinh nghiệm việc triển khai nghị quyết 54 trước đó, TP.HCM đã mất quá nhiều thời gian cho công tác chuẩn bị nên kết quả không đạt như mong đợi. Lần này, công tác chuẩn bị đã tốt hơn", ông Mãi nói thêm.
Ông nêu rõ đến thời điểm này, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đều đã biết đến, quan tâm nghị quyết, sau đây về TP.HCM sẽ mời doanh nghiệp, nhà đầu tư đến để thông tin về nội dung nghị quyết.
Tạo ra nhiều động lực, nguồn lực mới cho TP phát triển
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng hiện nay TP.HCM hơi "hụt hơi", đóng góp cho tăng trưởng GDP, đóng góp ngân sách về giá trị tuyệt đối vẫn cao nhưng giá trị tỉ trọng đang giảm dần.
Từ trước đến nay và cả sau này, TP.HCM là nơi động lực tăng trưởng cho cả nước. Vì vậy, theo ông Thanh phải có các cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù để TP.HCM phát triển.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, ông kỳ vọng Chính phủ, TP tận dụng cơ hội, mở rộng không gian khai thác để phát huy hiệu quả các cơ chế, chính sách trong nghị quyết.
Ví dụ, trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nói về mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD) cần mở rộng hơn nữa. Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có cơ chế, chính sách cho mở rộng thêm diện tích thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Vì vậy, ngoài những điểm kết nối các công trình giao thông theo đường sắt trên cao, đường vành đai 3, TP.HCM cần tính toán có thể thêm những hạng mục công trình khác nữa để mở rộng, khai thác không gian này.
Việc này sẽ giải quyết bài toán hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người dân theo nghị quyết 18.
Báo cáo giải trình, Tổng thư ký Bùi Văn Cường cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý thanh tra toàn diện hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines.