Các chỉ số chứng khoán toàn cầu giảm và đồng USD tăng trong phiên ngày 23/6, trong bối cảnh tâm lý của các nhà đầu tư bị chi phối bởi các bình luận từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) báo hiệu các đợt tăng lãi suất sắp tới.
Các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đã ghi nhận mức giảm điểm trong tuần này, trong đó chỉ số công nghệ Nasdaq Composite kết thúc chuỗi 8 tuần tăng điểm, còn chỉ số S&P 500 cũng dứt chuỗi 5 tuần tăng liên tiếp.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Anh Reuters, Chủ tịch FED chi nhánh San Francisco Mary Daly nói rằng việc có thêm hai lần tăng lãi suất nữa trong năm nay là một dự báo "rất hợp lý".
Trước đó, trong phiên điều trần trước Quốc hội trong tuần này, Chủ tịch FED Jerome Powell cũng ngụ ý rằng FED vẫn chưa kết thúc chu kỳ thắt chặt, đồng thời trấn an rằng Fed sẽ tiến hành một cách thận trọng.
Chỉ số Nasdaq dẫn đầu đà giảm trên Phố Wall, giảm 138,09 điểm (1,01%) xuống 13.492,52 điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 219,28 điểm (0,65%) xuống 33.727,43 điểm, còn chỉ số S&P 500 để mất 33,56 điểm (0,77%) còn 4.348,33 điểm.
Lợi suất trái phiếu kho bạc giảm trong bối cảnh thị trường nhận định FED sẽ tăng lãi suất ít nhất một lần nữa trong ngắn hạn. Nhà đầu tư cũng đang "cân đo" khả năng tăng trưởng kinh tế chậm lại sau khi tăng trưởng ở khu vực đồng tiền chung châu Âu yếu hơn dự kiến.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã giảm 6,2 điểm cơ bản xuống 3,737% so với mức 3,799% vào cuối ngày 22/6. Lợi suất trái phiếu chính phủ khu vực đồng Euro giảm, khi thị trường nhận được thống kê cho hay hoạt động kinh doanh tại Đức chậm lại đáng kể trong tháng 6/2023, trong khi hoạt động kinh doanh của Pháp trong tháng này giảm lần đầu tiên trong 5 tháng.
Sau khi đóng cửa nghỉ lễ phiên 19/6, thị trường chứng khoán Mỹ đã quay trở lại giao dịch trong sắc đỏ phiên 20/6, sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC - ngân hàng trung ương) cắt giảm lãi suất ở mức thấp hơn dự báo.
Ngày 20/6, PBoC đã giảm thêm 2 loại lãi suất cho vay quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Theo đó, lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm (LPR) được điều chỉnh giảm 10 điểm cơ bản xuống 3,55%, trong khi kỳ hạn 5 năm cũng giảm từ 4,3% xuống 4,2%.
Nhà phân tích Ricardo Evangelista của ActivTrades cho biết, việc PBoC giảm lãi suất tiếp tục cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phục hồi sau đại dịch chậm hơn dự kiến. Ông cảnh báo rằng khi nền kinh tế Trung Quốc đang chật vật để lấy lại động lực, thì những "cơn gió ngược" đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ mạnh hơn.
Sang đến phiên 21/6, khả năng FED tiếp tục tăng lãi suất đã "phủ bóng" u ám lên chứng khoán Âu – Mỹ. Phát biểu trong phiên điều trần trước Quốc hội, ông Powell nói rằng mặc dù cuộc chiến kiểm soát giá cả đã đạt được nhiều tiến bộ, nhưng lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu 2% của FED.
Trước bài phát biểu của mình, ông Powell cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản rằng "gần như tất cả" các nhà hoạch định chính sách của FED đã đồng ý cần tăng lãi suất "thêm một chút" vào cuối năm nay.
Đà giảm tiếp tục lan sang phiên 22/6 khi các ngân hàng trung ương của Anh, Thụy Sỹ và Na Uy đã tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, một tuần sau động thái tương tự từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã thay đổi hướng đi và tăng lãi suất lên 15%.
Một ngày sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát của Anh vẫn ở mức 8,7% trong tháng 5/2023, Ngân hàng trung ương Anh đã tăng lãi suất cơ bản lần thứ 13 liên tiếp, với mức tăng lớn 0,5 điểm phần trăm, đưa lãi suất của nước này lên 5%, mức cao nhất trong 15 năm.
Ngân hàng trung ương của Na Uy cũng chọn mức tăng 0,5 điểm phần trăm, nâng lãi suất lên 3,75% do lạm phát "cao hơn rõ rệt" so với dự kiến. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ đã tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm lên 1,75% và cảnh báo có thể tăng nhiều hơn nữa do sức ép lạm phát.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.10615525142603202-auq-naut-ioig-eht-naohk-gnuhc-gnourt-iht-murt-oab-maig-ad/et-hnik/nv.vtv