Ngày 24-6, với 475/480 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Sẽ tăng mức đóng bảo hiểm y tế
Theo đó, Quốc hội giao Chính phủ trong năm 2023 phải ban hành kế hoạch, lộ trình và tổ chức thực hiện việc tăng mức đóng bảo hiểm y tế theo lộ trình phù hợp với khả năng cân đối của Ngân sách nhà nước và khả năng chi trả của người dân theo khoản 10, Điều 2 Nghị quyết.
Cùng với đó nghiên cứu mở rộng danh mục dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư y tế ở y tế cơ sở do quỹ bảo hiểm y tế chi trả tương ứng với mức tăng bảo hiểm y tế. Giải quyết triệt để những vướng mắc trong việc thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Các ĐBQH biểu quyết thông qua Nghị quyết Giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Ảnh: TP |
Bên cạnh đó, Quốc hội giao Chính phủ hoàn thành mục tiêu mọi người dân đều được theo dõi, quản lý sức khoẻ toàn diện theo lộ trình được xác định tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25-10-2017 của BCH Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới.
Triển khai đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động của y tế cơ sở, y tế dự phòng và quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân.
Thực hiện thống nhất trung tâm y tế cấp huyện trực thuộc UBND cấp huyện, bảo đảm quản lý toàn diện của chính quyền địa phương, nhất là nhân lực và cơ sở vật chất, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với việc quản lý chuyên môn, nghiệp vụ của ngành y tế nhằm thực hiện tốt nhất mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Quốc hội cũng giao Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất nhu cầu đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng đến năm 2030. Hướng dẫn cách xác định phạm vi chi, nội dung chi bảo đảm dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25-10-2017 của BCH Trung ương và Nghị quyết số 18/2008/QH12 3-6-2008 của Quốc hội.
Sai phạm nghiêm trọng với vụ Việt Á, chuyến bay giải cứu
Bên cạnh những kết quả đạt được, Nghị quyết chỉ rõ những hạn chế, tồn tại trong việc sử dụng nguồn lực phòng chống COVID-19. Nổi lên là việc ban hành văn bản để cụ thể hóa một số biện pháp đặc biệt, đặc cách, đặc thù quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 có nơi, có lúc chưa kịp thời, chưa đầy đủ, chưa thống nhất dẫn đến bị động, lúng túng, thiếu đồng bộ trong tổ chức thực hiện.
Việc quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí phòng, chống dịch từ ngân sách nhà nước trong và sau giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch còn chậm trễ, chưa giải quyết kịp thời, dứt điểm những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Một số nơi chưa kịp thời chi trả chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch và chế độ đối với người tham gia phòng, chống dịch.
Sau khi kiểm soát được dịch, chưa làm tốt việc giải thể, bàn giao, quản lý tài sản, thanh toán, quyết toán liên quan đến các bệnh viện dã chiến, trạm y tế lưu động, cơ sở thu dung, điều trị COVID-19. Việc xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với nhiều tài sản, hàng hóa tài trợ chưa kịp thời.
Các nguồn lực huy động từ Nhân dân và các tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp chưa được theo dõi, đánh giá, tổng hợp đầy đủ. Kết quả thực hiện một số chính sách tài khóa, tiền tệ chưa đạt như dự kiến, việc triển khai các dự án đầu tư cho lĩnh vực y tế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội còn chậm.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch thiếu thống nhất, đồng bộ và còn lãng phí. Việc quản lý, điều động nhân lực, vật lực, tài lực có lúc chưa chủ động, hiệu quả chưa cao.
“Đã có những sai phạm nghiêm trọng trong nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành, hiệp thương giá, tổ chức sản xuất, mua bán kit xét nghiệm COVID-19 liên quan công ty Cổ phần công nghệ Việt Á và trong việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước cách ly tại cơ sở dân sự, tự nguyện trả phí trong thời gian dịch COVID-19. Nhiều cán bộ ở trung ương, địa phương và các cá nhân có liên quan bị kỷ luật và xử lý hình sự” - Nghị quyết chỉ rõ.
Huy động 230 nghìn tỷ chống dịch COVID-19
Theo Nghị quyết, tính đến 31-12-2022, cả nước đã huy động được khoảng 230.000 tỷ đồng trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện các chính sách an sinh, xã hội. Trong đó Ngân sách nhà nước là 186.400 tỷ đồng và viện trợ, tài trợ khoảng 43.600 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hàng triệu tình nguyện viên từ các tầng lớp Nhân dân được huy động tham gia phòng, chống dịch, đặc biệt là đội ngũ nhân viên y tế, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch. Đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài, cộng đồng doanh nghiệp, các nước và các tổ chức quốc tế đã tham gia phòng, chống dịch và đóng góp dưới nhiều hình thức, trong đó có nhiều khoản đóng góp, ủng hộ chưa thể thống kê đầy đủ và không lượng hóa được bằng tiền.
Đến ngày 31-12-2022, kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 đã được sử dụng như sau: hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên 87.000 tỷ đồng, chi chế độ, chính sách cho lực lượng tuyến đầu và các lực lượng khác tham gia phòng, chống dịch (quân đội, công an, y tế ...) 4.487 tỷ đồng, mua vắc-xin phòng COVID-19 là 15.134 tỷ đồng; hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vắc-xin phòng COVID-19 là 4,6 tỷ đồng, mua sắm kit xét nghiệm 2.593 tỷ đồng, mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, thiết bị, vật tư y tế 5.291 tỷ đồng…