Giá vàng quốc tế cuối tuần đứng ở mức 1.921,2 USD/ounce, giảm 38 USD so với cuối tuần trước, tương đương "bốc hơi" gần 1 triệu đồng.
Giá vàng ghi nhận tuần giảm mạnh nhất trong hơn 4 tháng khi chịu áp lực bởi đồng USD mạnh hơn và quan điểm “diều hâu” của các quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Trong phiên điều trần trước quốc hội, ông Jerome Powell cho biết, Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất với tốc độ thận trọng. Theo ông Carsten Menke, người đứng đầu phòng nghiên cứu Next Generation của Julius Baer, nhu cầu đầu tư vàng và bạc sẽ chưa thể tăng, vì nền kinh tế duy trì mạnh mẽ và lãi suất neo ở mức cao, thúc đẩy nhu cầu đầu tư đối với tài sản rủi ro hơn.
Dự báo giá vàng trong tuần tới ghi nhận nhiều ý kiến trái chiều. Cụ thể, kết quả cuộc khảo sát của Kitco News có sự tham gia của 22 nhà phân tích Phố Wall thì có 11 người, chiếm 50% dự báo giá vàng sẽ giảm. Ngược lại, có 9 nhà phân tích tương đương 41% nhận định kim loại quý sẽ tăng và 2 người còn lại, chiếm tỷ lệ 9% nghĩ rằng vàng sẽ đi ngang.
Tương tự, cuộc khảo sát trực tuyến với 966 nhà đầu tư cá nhân tham gia cũng có 395 người, chiếm 41% cho rằng vàng sẽ tăng giá. Bên cạnh đó, có 403 người, tương đương 42% dự báo vàng sẽ giảm và số còn lại tương ứng 17% nhận định vàng đi ngang.
Cuối tuần 25/6, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết mua vào 66,45 triệu đồng/lượng, bán ra 66,95 triệu đồng/lượng, ổn định so với hôm qua nhưng lại giảm khoảng 200.000 đồng mỗi lượng so với cuối tuần trước.
Đáng chú ý, biên độ chênh lệch giá mua – bán vàng SJC chỉ còn 500.000 đồng/lượng thay vì cả triệu đồng/lượng nhiều tháng trước đó, phản ánh nhu cầu trên thị trường không cao và doanh nghiệp phải thu hẹp biên độ để kích thích giao dịch.
Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại cũng được giao dịch ổn định quanh 55,4 triệu đồng/lượng mua vào, 56,4 triệu đồng/lượng bán ra. So với cuối tuần trước, giá vàng 24K các loại giảm 200.000 đồng/lượng.
Minh Hoa (t/h)