Video lễ khởi công:
Sáng 25/6, UBND Tp.Hà Nội tổ chức lễ khởi công dự án Vành đai 4 - vùng Thủ đô tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức (vị trí nút giao giữa Vành đai 4 với đại lộ Thăng Long).
Ngoài điểm cầu chính ở xã Song Phương, Thành phố Hà Nội còn tổ chức lễ khởi công ở 3 điểm cầu khác gồm tại giao trục phía nam tại Km45+700 xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai), nút giao với quốc lộ 1A cũ tại Km52+600 xã Văn Bình (huyện Thường Tín) và vị trí giao cắt giữa vành đai 4 với quốc lộ 2 thuộc xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn).
Bắc Ninh tổ chức khởi công tại lý trình Km35+200 thuộc đoạn tuyến nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long, phường Khắc Niệm, Tp.Bắc Ninh. Hưng Yên lựa chọn huyện Văn Giang làm điểm khởi công cho dự án Vành đai 4 đi qua tỉnh.
Dự án Vành đai 4 Vùng thủ đô có chiều dài 112,8km (gồm 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối). Tổng mức đầu tư dự án là 85.813 tỷ đồng. Thời gian thi công từ năm 2023 đến 2027.
Dự án đi qua 3 tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh với 7 dự án thành phần. Trong đó, mỗi tỉnh phụ trách một dự án GPMB, một dự án đường song hành qua địa bàn tỉnh mình. Riêng dự án cầu cạn cao tốc toàn tuyến sẽ đầu tư theo phương thức BOT và giao Hà Nội quản lý.
Kết quả khởi công mới chỉ là thắng lợi bước đầu
Phát biểu tại Lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Đảng và Nhà nước đã xác định phát triển hạ tầng chiến lược nói chung, trong đó có hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội, đang được tích cực triển khai trên toàn quốc.
Mục tiêu đặt ra là giai đoạn từ năm 2021 - 2025 phải có 3.000km đường cao tốc; như vậy là trong 5 năm, chúng ta phải làm gấp 2 lần 20 năm vừa qua. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã đưa vào khai thác, thi công, khởi công trên 3.470km đường cao tốc. Nếu phấn đấu tốt, quyết cao hơn, nỗ lực, hành động quyết liệt hơn, năm 2025 sẽ đạt được mục tiêu đề ra.
Việc đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô tạo ra không gian phát triển mới cho cả vùng Thủ đô, đặc biệt có ý nghĩa với Tp.Hà Nội, các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh, nơi tuyến đường đi qua.
"Chúng tôi rất ấn tượng với Hà Nội đã dám phân cấp, giao nhiệm vụ GPMB cho các quận, huyện, đem lại kết quả rất thành công. Đặc biệt việc di dời mộ chí là vô cùng khó khăn nhưng Hà Nội đã tổ chức rất bài bản, làm rất tốt, quyết liệt, quyết tâm. Đồng thời tôi đánh giá rất cao sự kiểm tra, giám sát của lãnh đạo các địa phương, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Tỉnh uỷ các tỉnh khác trong công tác triển khai dự án cũng như GPMB”, Thủ tướng Chính phủ nói.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng lưu ý, kết quả khởi công hôm nay mới chỉ là thắng lợi bước đầu, công việc tiếp theo còn rất lớn.
Thủ tướng đề nghị các cấp uỷ Đảng, Chính quyền, các cơ quan liên quan và Nhân dân bám sát tiến độ, rà soát lại công việc, bố trí thời gian, nguồn lực, tăng cường sự chỉ đạo lãnh đạo để đẩy nhanh tiến độ dự án, đảm bảo yêu cầu đề ra.
Đồng thời, các địa phương phải tiếp tục quan tâm hoàn thành công tác GPMB, tái định cư ổn định nơi ăn ở cho người dân; chuẩn bị vật liệu xây dựng, bãi thải phục vụ dự án; tăng cường năng lực thi công.
Hà Nội đạt trên 84% GPMB
Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, ngay sau khi Dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, Tp.Hà Nội cùng các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh đã tập trung quyết liệt triển khai thực hiện nhiệm vụ với nhiều giải pháp sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn tại các địa phương.
Theo đó, UBND Tp.Hà Nội đã phối hợp với UBND các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh ban hành Kế hoạch tổng thể tổ chức thực hiện Dự án, khớp nối các nhiệm vụ và tiến độ từng hạng mục công việc, đảm bảo tính liên kết, đồng bộ trong quá trình triển khai, làm cơ sở thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ.
“Với quyết tâm và sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị các cấp, sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân các địa phương, đến nay, sau 1 năm 9 ngày, Dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô trên địa bàn Tp.Hà Nội đã đảm bảo toàn bộ các điều kiện để khởi công, đáp ứng đúng tiến độ đề ra (trước ngày 30/6/2023). Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) toàn tuyến đã hoàn thành trên 80%, trong đó Tp.Hà Nội đạt trên 84% (cao hơn mức kế hoạch đề ra là 70%)”, ông Thanh nói.
Chủ tịch Hà Nội cho rằng, có được thành công đó, một là nhờ phát huy vai trò người đứng đầu, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân, với tinh thần lấy kết quả thực hiện Dự án là “thước đo” năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; đồng thời nhận thức và xác định rõ đây là trách nhiệm, là uy tín của Thành phố.
Huy động được sự vào cuộc một cách thực chất, sâu sát, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội từ Thành phố đến cơ sở. Qua đó đã tạo hiệu ứng, lan tỏa khát vọng xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại đến từng cán bộ, đảng viên và người dân.
Hai là, tăng cường phân cấp, ủy quyền cho cơ sở, đặc biệt là cấp quận, huyện, xã, phường với tinh thần giảm đầu mối, cấp nào sát thực tế và phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân thì giao cấp đó thực hiện.
Thành phố đã ủy quyền cho các quận, huyện thực hiện công tác GPMB, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện Dự án. Các quận, huyện đã tổ chức ký giao ước thi đua đẩy nhanh tiến độ theo từng ngày, thực hiện rút ngắn tối đa thời gian xử lý thủ tục hành chính của Dự án. Thành phố đã chỉ đạo thực hiện đường tiếp nhận văn bản riêng về Dự án đường Vành đai 4 và đảm bảo thời gian giải quyết thủ tục từ 24 - 48 tiếng tại mỗi cơ quan, đơn vị.
Ba là, tách công tác GPMB thành dự án độc lập, từ kinh nghiệm thực tế triển khai các dự án trên địa bàn, Thành phố Hà Nội xác định công tác GPMB là khâu “trọng điểm của trọng điểm”.
Ngay từ khâu chuẩn bị hồ sơ xây dựng Dự án, Thành phố đã đề xuất thực hiện tách công tác GPMB thành dự án độc lập, từ đó công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không còn phụ thuộc vào các yếu tố kỹ thuật chuyên ngành của công trình, đồng thời thực hiện GPMB ngay sau khi chỉ giới đường đỏ được phê duyệt.
Tại buổi lễ, đại diện các nhà thầu tham gia thi công dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô, ông Đào Ngọc Thanh - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cam kết sẽ triển khai dự án đảm bảo chất lượng, mỹ quan, an toàn và vượt tiến độ hợp đồng, phấn đấu hoàn thành công trình trong năm 2025 để đưa vào khai thác sử dụng kịp thời nhằm góp phần phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô Hà Nội – Vùng Thủ đô Hà Nội.
Một số hình ảnh tại buổi lễ: