Nước Nga xoay trục về phía Đông. Người Nga cũng đang chuyển trọng tâm học ngoại ngữ. Các ngôn ngữ châu Âu mất dần tính phổ biến ở Nga, thay vào đó là tiếng Trung, tiếng Arab, tiếng Ba Tư và cả tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.
Tiếng Trung Quốc đang thay thế ngôn ngữ châu Âu trên thị trường lao động Nga. Theo tờ Tin tức Izvestia, số lượng vị trí tuyển dụng từ các nhà tuyển dụng Nga, nơi yêu cầu kiến thức bắt buộc về các ngôn ngữ châu Âu, đã giảm đáng kể vào năm 2022.
Theo HeadHunter, nhu cầu về chuyên gia biết tiếng Trung vào năm 2022 tăng 70% so với năm 2021 và 45% so với trước đại dịch năm 2019. Vào năm 2023, xu hướng này mạnh hơn - chỉ trong quý đầu tiên, số lượng vị trí tuyển dụng với yêu cầu như vậy đã tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong các ngành như vận tải và hậu cần, bán hàng và sản xuất, các chuyên gia có kiến thức về ngôn ngữ Trung Quốc đang có nhu cầu đặc biệt.
Các trường đại học Nga đã mở rộng chương trình học tiếng Trung trong năm 2022-2023. Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Khoa học Nga, hiện có khoảng 22 nghìn sinh viên Nga học tiếng Trung Quốc tại 142 trường đại học. Với cấp học phổ thông, năm 2019, lần đầu tiên tiếng Trung được đưa vào kỳ thi quốc gia thống nhất. Trước đó, chỉ có bốn thứ tiếng là Anh, Đức, Pháp và Tây Ban Nha. Vào thời điểm đó, có 289 trường phổ thông tham gia kỳ thi tiếng Trung, đến nay con số này đã tăng lên 480.
Tờ Kommersant ghi nhận, số học sinh tìm gia sư tiếng Trung Quốc và tiếng Arab tại Nga đã tăng gấp đôi. Không chỉ giới hạn ở thanh thiếu niên, nhu cầu học các thứ tiếng này cũng tăng lên đối với những người lớn muốn bổ sung sơ yếu lý lịch hoặc chuyển sang một vị trí mới.
Theo SuperJob, việc biết tiếng Trung có thể mang lại mức lương cao hơn khoảng 20% so với thông thường. Các nhà tuyển dụng xác nhận mọi thứ liên quan đến xuất nhập khẩu phần lớn được định hướng lại cho Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, vì vậy họ thực sự tìm kiếm các chuyên gia biết các ngôn ngữ này. Bên cạnh đó, nhu cầu học tiếng Arab, tiếng Ba Tư tại các trường Đại học dầu khí ngày càng lớn, trong khi Tiếng Tây Ban Nha đang trở nên phổ biến trong bối cảnh tăng cường quan hệ đối ngoại của Nga với Cuba và Venezuela.
Trong bối cảnh nền kinh tế Nga đang phải đối mặt với hàng loạt biện pháp trừng phạt sâu rộng từ phương Tây thì dòng chảy thương mại, trao đổi văn hóa và kinh doanh đa dạng của Nga về phía Đông ngày càng nhiều. Nhu cầu về nguồn nhân lực - những chuyên gia ngôn ngữ phương Đông tăng lên như một điều tất yếu.