VN-Index vượt ngưỡng cản 1.125 điểm
Chỉ số VN-Index kết thúc tuần thứ 4 của tháng 6 đạt 1.129,38 điểm, tăng 14,16 điểm (1,27%). Thanh khoản thị trường tích cực, vượt ngưỡng trung bình 14.000 tỷ đồng/phiên kể từ đầu tháng 6 tới nay.
Diễn biến chỉ số VN-Index. |
Phiên đầu tuần, chỉ số ghi nhận sự điều chỉnh đáng kể, gần 1%, nhưng sau đó là 4 phiên tăng điểm liên tiếp, tạo nên cây nến xanh rút chân biên rộng trên đồ thị tuần. Cây nến cũng vượt ngưỡng cản MA200 thành công tại 1.125 điểm (ngưỡng kháng cự được tạo ra từ đỉnh ngắn hạn). Khối lượng giao dịch giảm nhẹ so với tuần liền trước, nhưng duy trì ở mức cao. Với vận động đồng pha giá tăng - khối lượng tăng, VN-Index đang mở ra xu hướng tiếp tục tăng điểm.
Dòng tiền trong tuần qua ghi nhận sự gia tăng tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và suy giảm ở nhóm vốn hóa trung bình. Điều này đã hỗ trợ cho sự bứt phá thành công ngưỡng kháng cự 1.125 điểm của chỉ số chung. Trong đó, nổi bật là VNM, HPG và các mã thuộc ngành ngân hàng khi thu hút dòng vốn ngoại và dòng tiền lớn. Ở nhóm vốn hóa vừa, áp lực chốt lời gia tăng khi hầu hết các nhóm ngành đều đã đem lại mức lợi nhuận đáng kể. Dù vậy, nhóm chứng khoán, thép, hóa chất hay một số mã riêng lẻ thuộc nhóm bất động sản, đầu tư công và vật liệu xây dựng vẫn có mức tăng giá đáng chú ý.
Trong tuần mới, VN-Index có khả năng sẽ kiểm định khu vực 1.125 điểm để hấp thụ lực bán chốt lời và củng cố sức mạnh trước khi tiếp tục gia tăng điểm số. DSC khuyến nghị, nhà đầu tư nên thận trọng khi giải ngân mua mới trong những phiên tăng điểm mạnh và bám sát danh mục cổ phiếu, chốt lời với những cổ phiếu đạt giá mục tiêu.
Ngành bán lẻ: Hưởng lợi từ kích cầu tiêu dùng
Ngành bán lẻ nói chung và bán lẻ không thiết yếu nói riêng chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 trong năm 2022 và sự sụt giảm lớn về nhu cầu tiêu dùng kéo dài tới đầu năm 2023. Tuy nhiên, với việc kiểm soát chi phí doanh nghiệp và các chính sách kích cầu sắp tới từ Chính phủ, ngành bán lẻ được kỳ vọng sẽ tích cực hơn trong nửa cuối năm 2023.
Nhìn lại quý đầu năm nay, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục phản ánh kết quả kinh doanh ảm đạm, doanh thu và lợi nhuận sau thuế giảm 10 - 40% so với cùng kỳ. Điều này đến từ nhu cầu về các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu như điện thoại di động, máy tính xách tay, ô tô và xe máy vẫn ở mức yếu. Bối cảnh vĩ mô khó khăn đã ảnh hưởng đến sức mua của người dân.
Các doanh nghiệp hoạt động chính mảng công nghệ thông tin và truyền thông chịu thêm áp lực khi phải cạnh tranh về giá bán và mức tồn kho cao từ cuối năm 2022. Mặc dù vậy, DSC cho rằng, những gì tồi tệ nhất của ngành bán lẻ đã qua và kỳ vọng càng về cuối năm 2023 và đầu năm 2024, nhu cầu tiêu dùng sẽ hồi phục mạnh mẽ hơn.
Hỗ trợ cho kỳ vọng đó là chính sách tiền tệ đang trong giai đoạn mở rộng khi Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất điều hành tới 4 lần kể từ tháng 3/2023 tới nay, định hướng cho các ngân hàng thương mại hạ lãi suất huy động, đặc biệt là lãi suất cho vay. Đây là chìa khóa giúp dòng vốn được lưu thông mạnh hơn trong nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân có điều kiện để mở rộng sản xuất - kinh doanh và chi tiêu.
Bên cạnh đó, chìa khóa để kích cầu tiêu dùng trong nước là chính sách giảm thuế thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%. Sắp tới còn giảm 50% lệ phía trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, giúp các doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ ô tô hưởng lợi trực tiếp.
Các doanh nghiệp ngành bán lẻ cũng đã và đang có những chiến lược thích ứng với tình hình kinh tế khi sử dụng mô hình kinh doanh nhẹ vốn, giảm bớt chi phí cố định để cải thiện lợi nhuận, nỗ lực mở rộng mô hình kinh doanh, kết hợp với nhiều nhãn hàng mới (như DGW) và tập trung tận dụng vị thế cạnh tranh trong mảng phân phối (như PET với Samsung), mảng sản phẩm thiết yếu (như FRT với chuỗi nhà thuốc Long Châu).
Một số cổ phiếu đáng quan tâm trong ngành bán lẻ là FRT và DGW. Nhà đầu tư có thể giải ngân khi thị trường có những nhịp điều chỉnh về mặt chỉ số.