Loại đường, bỏ cơm tổn hại não bộ
Bác sĩ Nguyễn Huy Cường, nguyên phó trưởng khoa đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết trung ương, cho biết không chỉ bệnh nhân đái tháo đường mà nhiều người thực hiện kiêng đồ ngọt tuyệt đối như đường và bánh ngọt để tránh tiểu đường, tim mạch, béo phì… Nhưng đây là quan điểm rất sai lầm.
"Trên thực tế, tinh bột như khoai tây, bánh mì trắng tác động đến đường máu giống như ăn đường kính, đôi khi làm tăng đường máu đột ngột nhiều hơn thức ăn có đường khác. Các loại ngũ cốc toàn phần và rau không tác động đến đường máu nhiều" - bác sĩ Nguyễn Huy Cường nhấn mạnh.
Do vậy, việc tính đếm đến lượng chất bột đường ăn vào quan trọng hơn là chuyện loại bỏ chất đường ra khỏi bữa ăn. Ăn một chút đường vẫn tốt. Nếu đi ăn cưới hoặc sinh nhật hoàn toàn có thể nếm một lát bánh ngọt (một lát nhỏ thôi) và thay thế chỗ bánh ngọt đó bằng cách bớt đi một ít cơm hoặc bánh mì...
Nếu thực sự thích cái gì đó ngọt, hãy chọn loại đồ ăn ngọt bằng chất đường thay thế như đường aspartam, đường saccharin... không chứa calo nên không cần phải tính đếm đến lượng chất đường trong đó.
Hơn nữa, cơ thể rất cần chất đường để tạo ra năng lượng. Não hoạt động tùy thuộc hoàn toàn vào đường glucose. Khi ăn thiếu cơm, dẫn đến thiếu chất đường. Một cách tự phát, cơ thể đi tìm các nguồn chất đường khác, có khi ăn vào rất nhiều và không hề biết mình đang đưa vào nhiều chất đường.
Do đó, đường máu không hề giảm. Cảm giác chán ăn cũng xuất hiện vì không được ăn đúng loại thức ăn truyền thống.
Tính đếm lượng chất quan trọng hơn loại bỏ
Bác sĩ Nguyễn Huy Cường nhấn mạnh người bệnh tiểu đường cần biết về khái niệm chỉ số đường để ăn cho đúng.
Khái niệm về chỉ số đường là khả năng gây tăng đường máu của từng loại thức ăn. Chỉ số này dựa vào lượng đường máu tăng thêm nhiều giờ sau khi dùng 50g hoặc 100g chất bột đường (carbonhydrate), thường lấy đường glucose hoặc bánh mì trắng làm chuẩn.
Có thể chia ra làm 3 loại:
1- Loại thức ăn gây tăng đường máu nhiều (bánh mì, khoai tây, đường glucose...);
2- Loại tăng đường máu vừa phải (hoa quả, gạo lứt, khoai lang...);
3- Loại gây tăng đường máu yếu (đậu lăng, đậu trắng, đường fructose (loại đường thường có nhiều trong hoa quả), sữa có cream (kem).
Khả năng gây tăng đường máu tăng lên do cách chế biến thức ăn. Ví dụ cháo, khoai tây ninh nhừ, bún (đã bị loại bỏ chất xơ) làm tăng đường máu sau ăn rất nhiều vì là các dạng thức ăn quá dễ tiêu hóa nên đường được hấp thu vào máu nhanh.
Chính vì vậy, rất không nên loại bỏ chất béo ra khỏi bữa ăn dù người bệnh có thừa cân hay tăng mỡ máu (điều chỉnh khối lượng ăn giảm đều các thành phần bột - đường, chất đạm, chất béo).
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Cường, một người có cân nặng trung bình ở Việt Nam thường cần tối thiểu từ 150 - 200g chất đường/ngày. Số đường này tương đương ăn vào 4 - 5 bát cơm vơi.
Để phong phú thêm loại thức ăn, chúng ta có thể đưa chất đường vào dưới nhiều dạng thức ăn khác, nhưng yêu cầu đặt ra là không được thay đổi quá nhiều khối lượng đường ăn vào (vì làm thay đổi lượng đường máu).
Cần lưu ý: chỉ số đường chỉ có giá trị để so sánh hết sức tương đối vì ít khi chúng ta ăn riêng rẽ một loại thức ăn. Khi phối hợp các nhóm thức ăn khác nhau trong cùng một bữa, chỉ số đường thường thay đổi khá nhiều. Vấn đề chủ yếu là ăn các bữa ăn hỗn hợp có đủ chất đạm - béo - bột và chất xơ với khối lượng và tỉ lệ hợp lý.
Trên thực tế chỉ có thử đường máu sau ăn 1 - 2 giờ cho phép đánh giá mức độ tăng đường máu với từng nhóm thức ăn đối với mỗi người riêng biệt. Hãy thử đường máu sau ăn của nhiều bữa ăn sáng - trưa - tối để tự kiểm tra.
"Chế độ ăn giàu chất xơ (nhiều hơn 50g/ngày) làm giảm đường máu khá tốt. Bởi ruột tiêu hóa thức ăn chậm hơn nếu như trong thức ăn có nhiều chất xơ, điều đó có nghĩa chất đường sẽ hấp thu vào máu chậm hơn, và hệ quả là đường máu sẽ tăng chậm hơn.
Chế độ ăn của người Việt Nam thường chỉ có 10-15g chất xơ/ngày. Điều đó có nghĩa bạn cần phải ăn nhiều chất xơ hơn nữa mới có hiệu quả.
Chế độ ăn nhiều chất xơ còn giúp làm giảm mỡ máu, giảm cân, tránh táo bón và giảm ung thư đại tràng" - bác sĩ Cường nhấn mạnh.
Điều nguy hiểm nhất hiện nay là nhiều người sai lầm, cứ nghĩ khi bị đái tháo đường là phải sử dụng insulin, mà không hiểu không phải ai bị tiểu đường cũng dùng được insulin. Việc dùng insulin không đúng đã khiến nhiều người nguy kịch.