Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng đòi hỏi bộ máy công quyền của TP phải nâng chất hơn nữa và đồng hành với doanh nghiệp khi được trao quyền, có nhiều ưu đãi về thu nhập hơn trước.
Mong có lộ trình thực thi cơ chế đặc thù
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Phú Trường - chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM - cho biết nghị quyết mới bao gồm nhiều cơ chế đột phá. Doanh nghiệp mong muốn biết được lộ trình của các chính sách để đón đầu, bắt nhịp và phát huy hiệu quả các cơ chế đặc thù.
Theo ông Trường, thời gian qua các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn ở nhiều mặt, cơ chế này sẽ như một cú hích giúp doanh nghiệp có điều kiện hơn để phục hồi và phát triển nếu thực thi sớm. Về dài hạn, ông Trường cho rằng nghị quyết cũng đưa ra những chính sách mới như thí điểm cơ chế tài chính để giảm phát thải khí nhà kính theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, đây là lợi thế cạnh tranh của đầu tàu kinh tế Việt Nam với các quốc gia khác nên cũng cần sớm thực thi và phát huy lợi thế cạnh tranh.
Với lĩnh vực đất đai, ông Lê Hữu Nghĩa - phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - cho hay nghị quyết mới đã mở ra hướng đi cho rất nhiều vấn đề tồn đọng, vướng pháp lý, thủ tục... Ví dụ, việc áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) khi xác định, thẩm định, quyết định giá đất trên địa bàn TP sẽ tạo sự chủ động cho các nhà đầu tư, khuyến khích họ nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Bên cạnh đó, ông Nghĩa cho rằng việc HĐND TP được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500ha sẽ giúp rút ngắn thời gian thực hiện và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án. Ngoài ra, TP cũng được phân quyền về điều chỉnh quy hoạch cục bộ, giúp TP chủ động quyết định và giải quyết các vấn đề nhanh hơn...
"Doanh nghiệp sẽ rút ngắn thời gian làm dự án. Đặc biệt với các dự án nhà ở xã hội, những khó khăn vướng mắc thời gian qua đã được tháo gỡ bằng những quy định rất cụ thể trong nghị quyết này", ông Nghĩa nói.
Tổ chức bộ máy công quyền cần thay đổi
Ông Bùi Trung Kiên - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM - cho biết tiềm năng để phát triển điện mặt trời mái nhà tại TP là hơn 160MWp. Với cơ chế mới này, TP sẽ có thêm nguồn điện tại chỗ trên các mái nhà của các cơ quan hành chính nếu được lắp điện mặt trời. Điều này vừa góp phần xây dựng TP xanh, vừa bổ sung nguồn điện cho TP.
Tuy nhiên, ông Kiên cho rằng cần sớm ban hành những quy trình để thuận lợi hóa, tháo gỡ những vướng mắc về phòng cháy chữa cháy, cơ chế đầu tư...
Ông Trần Ngọc Liêm - giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP.HCM - cho biết bên cạnh việc doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ cơ chế mới, việc tổ chức bộ máy công quyền cũng cần có sự thay đổi. Công chức được ưu đãi về thu nhập nên cần đòi hỏi về chất lượng, cách vận hành bộ máy phải khác.
Theo ông Liêm, khi một cơ quan, tổ chức bị thanh tra thì thường xảy ra tình trạng e ngại trong việc thực hiện các thủ tục, nhất là có liên quan đến doanh nghiệp, kéo theo sự trì trệ. Do đó, các doanh nghiệp đã nhiều lần đề nghị cần đánh giá chất lượng công chức, viên chức sáu tháng hoặc cuối năm, gắn với kết quả thực thi công vụ.
Hiện TP.HCM đã áp dụng chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở ngành và quận huyện (DDCI), cần xem kết quả là căn cứ để đánh giá, xếp loại cán bộ cuối năm.
TP.HCM cần khai thác sâu cơ chế thí điểm
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng trong quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết mới, Chính phủ và TP.HCM nếu khai thác thêm, sâu hơn sẽ giúp phát huy chính sách tốt hơn nữa.
Nêu lại quy định trong nghị quyết 437 trước đây sau này được đưa vào Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là không đầu tư các công trình giao thông trên đường hiện hữu, ông Thanh cho rằng TP.HCM phải lựa chọn và phải có cơ chế, chính sách phù hợp để xử lý vấn đề này.
Nhu cầu đầu tư các tuyến đường hiện hữu rất lớn. Nghị quyết mới đã cho phép TP.HCM thực hiện theo hình thức BOT. Nhưng qua giám sát, rất nhiều trạm thu phí đặt không đúng chỗ. Người dân sống xung quanh trạm bị ảnh hưởng tiêu cực, mất thời gian, trả thêm tiền đi trên đoạn đường mà trước đây họ vẫn đi hằng ngày.
"TP.HCM phải chọn và có cơ chế xử lý vấn đề này một cách hài hòa, tránh xảy ra khiếu kiện", ông Thanh nêu.
Về mô hình công ty đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM, ông Thanh cho rằng đây cũng là mô hình rất đặc thù. Trước đây đã có cơ chế cho TP.HCM và Hà Nội trong quá trình các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, thoái vốn thì TP được sử dụng nguồn này.
Ông Thanh nêu vấn đề làm sao sử dụng nguồn này cho hiệu quả. Ông nhấn mạnh nhà đất, tài sản của các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn TP rất nhiều, rất lớn. Cần sử dụng nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để tạo được động lực lan tỏa phát triển TP.
Đại biểu Trần Văn Lâm, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cho hay so với nghị quyết 54, nghị quyết mới mở rộng phạm vi hơn rất nhiều. Những chính sách đã được phân cấp như về đầu tư, ngân sách nhà nước, thu hút nhà đầu tư chiến lược, tổ chức bộ máy, thu hút nhân tài, TP Thủ Đức... phải được xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai ngay.
Theo ông Lâm, nghị quyết mới cũng cho phép triển khai các dự án BT của TP.HCM. Do vậy, ông mong muốn thời gian tới TP sẽ xử lý được vấn đề xác định quỹ đất để thanh toán cho các dự án BT đổi đất lấy hạ tầng trước đây. Trong đó, quan trọng là phải xác định được giá trị của quỹ đất này để thanh toán cho nhà đầu tư bảo đảm đúng thời điểm, giá trị, tránh thiệt hại cho Nhà nước.
THÀNH CHUNG
* Ông Phan Bá (CEO start-up An Vui): Cơ hội thu hút nguồn lực sáng tạo
Nghị quyết thí điểm cho TP.HCM có đề cập đến hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở các lĩnh vực mà TP ưu tiên. Cộng đồng start-up rất phấn khởi và háo hức. Tuy nhiên, để các chính sách hỗ trợ "trúng" thì những vướng mắc cần phải nhận diện đúng.
Với start-up đó chính là thủ tục hành chính, các chính sách về thuế và vốn. Start-up thường chú trọng về sản phẩm, dịch vụ và thực tế nguồn lực cũng chỉ đủ để tập trung vào những điều đó. Vì thế, các thủ tục hành chính, quy trình để start-up cần phải được hỗ trợ tối đa và cần bắt đầu từ xây dựng cơ chế thông thoáng dành cho nhóm đối tượng này.
* Ông Trần Đại Nghĩa (giám đốc điều hành Công ty tư vấn đầu tư FIIVN): Tín hiệu tích cực cho bất động sản
Thời gian tới, chính quyền thành phố có nhiều thẩm quyền hơn trong việc điều chỉnh quy hoạch để triển khai dự án, đặc biệt là các dự án nhà ở xã hội, hoặc cải tạo chung cư cũ. Các dự án này đều được ưu tiên tăng các chỉ tiêu quy hoạch nhằm khuyến khích nhà đầu tư tham gia, đồng nghĩa phải điều chỉnh các quy hoạch cấp trên, trong khi các văn bản pháp luật về chuyên ngành quy hoạch trước đây chưa quy định rõ các trường hợp này.
Ngoài ra, nghị quyết cũng đã cho phép thí điểm thu hồi các quỹ đất xung quanh các tuyến metro số 1, số 2 và vành đai 3 để thực hiện chỉnh trang đô thị, đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất tạo nguồn vốn thực hiện các hạ tầng giao thông.
Doanh nghiệp bất động sản muốn phát triển các dự án xung quanh các hạ tầng giao thông trọng điểm này sẽ chỉ được tiếp cận quỹ đất này bằng hình thức đấu giá. Đây là hình thức tiếp cận quỹ đất công bằng, chặn được tình trạng một số bên mua gom các quỹ đất này nhằm đầu cơ.
N.BÌNH ghi
Chiều 24-6, Quốc hội chính thức thông qua cơ chế đặc thù mới phát triển TP.HCM với 481/484 đại biểu tán thành.