Tại thị trường vàng trong nước, sau khi đi ngang trong ngày cuối tuần, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng nay ngày 26/6 vẫn chưa có sự biến động nào, hiện niêm yết lần lượt ở mức 66,5 – 67,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 66,5 – 67,1 triệu đồng/lượng.
Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng nay tăng 80.000 đồng/lượng so với hôm qua, hiện đứng ở mức 55,67 – 56,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ tăng 6,4 USD lên 1.920,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng nhẹ lên mức 1.925,4 USD/ounce.
Giá vàng tương lai giao tháng 8/2023 trên sàn Comex New York tăng 5,9 USD, tương ứng tăng 0,31% lên 1.929,6 USD/ounce.
Vàng vừa trải qua tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 2 khi Cục Dự trữ Liên bang dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 2 lần nữa đè nặng lên kim loại quý này khiến giá giảm khoảng 40 USD trong tuần.
Trong tuần qua, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell vẫn hoàn toàn cam kết tăng lãi suất thêm hai lần nữa trong các phiên điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ. Các nhà phân tích chỉ ra rằng, lập trường diều hâu toàn cầu mới này có thể khiến đồng đô la Mỹ trở thành tài sản trú ẩn an toàn hấp dẫn hơn vàng.
Trên bức tranh vĩ mô, vị thế kỹ thuật của vàng có vẻ không được tốt sau khi giá giảm xuống dưới mức trung bình động 100 ngày khoảng 1.940 USD/ounce.
Chuyên gia kim loại quý của Gainesville Coins Everett Millman nói với Kitco News: “Vàng giảm xuống dưới mức trung bình động 100 ngày là tín hiệu cho thấy chúng ta vẫn còn nhiều mức thấp hơn nữa. Bên cạnh các yếu tố vĩ mô thúc đẩy đà chống lại vàng, các yếu tố kỹ thuật đang xấu đi".
Millman cho biết thêm, mức kháng cự mới là 1.940 USD/ounce và mức hỗ trợ là 1.900 USD và sau đó là 1.880 USD.
Trái lại, bất chấp xu hướng giảm giá trên thị trường, vẫn có một số nhà phân tích lạc quan về vàng trong thời gian tới. Alex Kuptsikevich, nhà phân tích thị trường cao cấp tại FxPro, cho biết trong khi lãi suất tăng khiến trái phiếu hấp dẫn hơn vàng, xu hướng diều hâu tiếp tục gây rủi ro cho thị trường tài chính toàn cầu.
Ông cho biết: "Sự tăng giá vàng trước đó là do các cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực, vốn đã không còn được chú ý, dẫn đến một số dòng vốn chảy ra khỏi vàng. Tuy nhiên, vấn đề này có thể bùng phát trở lại do việc thắt chặt tiền tệ tiếp tục được thực hiện kể từ tháng 3".
Kuptsikevich nói thêm rằng, ông đang theo dõi xem liệu giá vàng có thể giữ mức hỗ trợ ngắn hạn ở mức 1.910 USD.
Ông nói: “Nếu đánh giá của chúng tôi là chính xác và những người đầu cơ giá lên có thể đẩy vàng lên trên mức 1.910 USD/ounce, thì chúng ta có thể thấy sự phục hồi tăng giá hướng tới 1.940 USD/ounce và thậm chí có khả năng đạt mức 2.000 USD/ounce vào cuối tháng 7”.
Với mức giá khoảng 1.925,4 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 55,62 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng 11,5 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) mở cửa sáng nay đứng ở mức 102,87 điểm.
Tỷ giá trung tâm hôm nay ngày 26/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.732 đồng/USD, đứng yên so với cuối tuần qua. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.545 – 24.919 đồng/USD.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết ở mức 23.400 đồng/USD ở chiều mua vào và 24.868 đồng/USD ở chiều bán ra.
Tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại lớn như VCB, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB… hiện giao dịch quanh mức 23.200 – 23.700 đồng/USD.
Sáng nay tại thị trường Hà Nội, giá USD tự do mua vào khoảng 23.530 đồng/USD và bán ra là 23.610 đồng/USD.