Mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục bị "đè" xuống trong những ngày gần đây.
Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt (LPBank) vừa giảm lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên với mức giảm cao nhất lên đến 0,8%/năm ở kỳ hạn 6 tháng, đưa lãi suất kỳ hạn này xuống còn 6,4%/năm.
Lãi suất kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng giảm 0,7%/năm xuống còn lần lượt 6,6%/năm và 6,9%/năm. Ở kỳ hạn 36 tháng lãi suất giảm 0,2%/năm, còn 7,4%/năm. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất tại LPBank. Nếu gửi tại quầy, lãi suất huy động thấp hơn gửi online 0,2 - 0,4%/năm, tùy kỳ hạn.
Ngân hàng số Cake by VPBank cũng giảm lãi suất huy động từ 0,2 - 0,3%/năm, đưa lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng xuống mức 4,75%/năm. Kỳ hạn 6 - 11 tháng lãi suất còn 7,9%/năm, kỳ hạn 12 và 13 tháng lãi suất lần lượt là 8,2%/năm và 8,3%/năm. Đây cũng là đơn vị hiếm hoi còn duy trì mức lãi suất trên 8%/năm.
Trước đó nhiều ngân hàng áp dụng lãi suất huy động cao đã giảm lãi suất nhiều đợt, đưa lãi suất cao nhất về dưới 8%/năm. Như tại ABBank, sau đợt giảm lãi suất huy động tuần trước với mức giảm từ 0,25 - 0,6%/năm thì mức lãi suất huy động cao nhất còn 7,4%/năm áp dụng với kỳ hạn từ 15 tháng trở lên.
Từng là một trong những ngân hàng có mức lãi suất huy động cao nhất thị trường nhưng hiện mức lãi suất cao nhất tại SCB chỉ còn 7,4%/năm ở kỳ hạn 12 tháng. Kỳ hạn từ 15 tháng lãi suất còn 7,2%/năm, chỉ còn nhỉnh hơn một chút so với lãi suất huy động cao nhất của nhóm các ngân hàng lớn.
Tại nhóm Big4, lãi suất huy động kỳ hạn 1, 2 tháng phổ biến chỉ còn 3,4%/năm. Ở kỳ hạn 6 - 9 tháng lãi suất tại ba ngân hàng trên dao động từ 5 - 5,5%/năm. Hiện lãi suất huy động cao nhất tại nhóm các ngân hàng lớn chỉ còn dao động từ 6,3 - 6,8%/năm, tùy ngân hàng.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến 15-6 dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế mới 3,36% so với cuối năm 2022, đạt khoảng 12,32 triệu tỉ đồng, trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14 - 15%.
Như vậy dù đã hết nửa năm nhưng tín dụng mới chỉ đi được chưa đến 1/4 chặng đường. Tình hình càng "căng" hơn khi nhiều ngân hàng từng huy động với lãi suất lên đến 10%/năm, thậm chí cao hơn với các kỳ hạn 24 tháng. Như vậy phải đến cuối năm 2024 những khoản huy động này mới đáo hạn. Khi đó có khả năng lãi suất cho vay đã ngang bằng hoặc thấp hơn mức lãi suất huy động này.
Tại họp báo thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm do Ngân hàng Nhà nước tổ chức cuối tuần trước, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tình hình doanh nghiệp rất khó khăn do đơn hàng giảm, dòng tiền đứt đoạn và hàng tồn kho nhiều, sức mua suy giảm.
Ông Tú cho hay ngân hàng rất muốn tăng tín dụng. Huy động vốn mà không cho vay ra được thì ngân hàng vô cùng khó khăn. Do đó, ngân hàng đang nỗ lực tăng tín dụng, nhưng nguyên tắc không phải hạ chuẩn tín dụng. Tín dụng tăng vẫn phải đảm bảo chất lượng tín dụng, hiệu quả đồng vốn đối với nền kinh tế.
"Trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp không những không vay vốn thêm mà còn trả lại tiền vay trước đây. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đang quyết liệt tìm mọi giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tín dụng trong thời gian tới. Hạn mức tiếp tục cho vay của các ngân hàng thương mại còn rất nhiều" - ông Tú thông tin.
Một trong những nguyên nhân được ông Nguyễn Xuân Thành - giảng viên cao cấp Đại học Fulbright - đưa ra để giải thích cho việc lãi suất cho vay đang ở mức cao là vì ngân hàng là 'sân sau' của công ty bất động sản.