Tuần trước, 220 triệu dân nhiều vùng thuộc bang Uttar Pradesh phía bắc Ấn Độ trải qua đợt nắng nóng lên đến 47 độ C. Pakistan và Bắc Kinh cũng đạt mức nhiệt từ 39 đến 41 độ C.
Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) vừa cho biết nhiệt độ dự kiến sẽ giảm nhẹ trong những ngày tới.
Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng khủng hoảng khí hậu sẽ gây ra các đợt nắng nóng thường xuyên hơn và kéo dài hơn trong tương lai, thử thách khả năng thích ứng của Ấn Độ.
“Ấn Độ có lịch sử đối phó với nắng nóng. Sẽ có hàng triệu người bị ảnh hưởng”, tiến sĩ Chandni Singh - nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Định cư con người Ấn Độ - cho biết.
Đồng thời, ông Singh khẳng định: "Số người chết do nắng nóng kinh hoàng phụ thuộc vào cách thức hệ thống y tế chuẩn bị đối phó. Nhưng điều chắc chắn là chúng ta sẽ đạt đến giới hạn về khả năng sống sót vào giữa thế kỷ này”.
Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), Ấn Độ sẽ gánh nguy cơ nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng khí hậu, có khả năng ảnh hưởng đến 1,4 tỉ người trên toàn quốc.
Một nghiên cứu khác được Đại học Cambridge công bố vào tháng 4 kết luận: Các đợt nắng nóng ở Ấn Độ đang đặt “gánh nặng chưa từng có” lên nông nghiệp, nền kinh tế và hệ thống y tế công cộng của nước này.
Trên bình diện châu Á, nền nhiệt tăng cao không chỉ diễn ra ở Ấn Độ mà còn rất gay gắt trên nhiều khu vực ở Trung Quốc và Pakistan.
Tuần trước, nhiệt độ của Bắc Kinh tăng vọt trên 41 độ C, lập kỷ lục mới về ngày nóng nhất của thủ đô trong tháng 6.
Dự báo Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc, Sơn Đông còn “tiếp tục bị nung nóng”. Đông bắc Trung Quốc cũng là nơi chịu ảnh hưởng nặng của biến đổi khí hậu, nhiệt độ vùng này sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trên 40 độ C.
Tại thủ đô Islamabad của Pakistan, nhiệt độ tăng vọt lên 39 độ C vào tuần trước.
Trạm quan sát khí tượng ở huyện Xảo Gia, tỉnh Vân Nam, tây nam Trung Quốc, ghi nhận nhiệt độ 43 độ C hôm 29-5, cũng là nhiệt độ cao nhất được ghi nhận trong đợt nắng nóng hiện tại.