Ngày 26-6, tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM đơn vị số 3 gồm ông Lê Minh Trí - Viện trưởng VKSND Tối cao, ông Lê Thanh Phong - Chánh án TAND TP.HCM và ông Nguyễn Tri Thức - Giám đốc BV Chợ Rẫy tiếp xúc với cử tri các quận 5, 8 và 11.
Cử tri mong luật có phương pháp đấu giá trực tiếp đất thu hồi
Cử tri Đặng Văn Rành (ngụ phường 1, quận 11) nêu ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ông Rành đề nghị thêm phương pháp đấu giá trực tiếp thửa đất đang thu hồi và cho người có đất bị thu hồi giám sát, hưởng kết quả đấu giá sau khi khấu trừ các chi phí hợp lý theo quy định.
Tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM đơn vị số 3 tiếp xúc với cử tri các quận 5, 8, 11. Ảnh: SONG MAI |
Cử tri Rành cho biết theo Nghị quyết 18 ngày 16-6-2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường nhưng đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Trên thực tế, việc khiếu kiện đất đai về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư rất nhiều; Nhà nước áp giá thì dân khiếu kiện, nhà đầu tư tự thỏa thuận thì bị đòi giá cao, kéo dài.
Theo cử tri Rành, việc đấu giá trực tiếp có sự giám sát của người thu hồi đất, sau khi trừ các chi phí thì chi trả hết cho người dân sẽ đảm bảo tính công khai, minh bạch; tránh được việc áp giá bồi thường gây bức xúc; nhà đầu tư không bị mất công sức thỏa thuận. Nhà nước tuy giảm nguồn thu từ đất nhưng được lợi khi người dân không khiếu kiện, dự án thực hiện nhanh chóng và vẫn thu được thuế, không nặng nỗi lo tái định cư cho người dân.
Cử tri Nguyễn Văn Bình (ngụ phường 15, quận 11) cho biết ông từng bị thu hồi đất nên hiểu rõ khó khăn, thiệt thòi của người bị thu hồi, giải tỏa đất. Khi góp ý dự án Luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội có ý kiến bồi thường cả về mặt tinh thần cho người bị thu hồi đất. Nhưng đối với người dân, chỉ cần quyền lợi tương đối đảm bảo thì đã rất mừng. Cử tri Bình mong muốn các bộ luật được sửa đổi sẽ bảo vệ quyền lợi của người dân nhiều hơn nữa.
“Luật Đất đai nếu hợp lý và hài hòa về lợi ích thì sẽ giảm tranh chấp, giảm sự bức xúc của xã hội và góp phần giúp đất nước phát triển nhanh chóng.”
Ông Lê Minh Trí
Hài hòa lợi ích của người dân, nhà đầu tư và Nhà nước
Trả lời cử tri, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết việc đề nghị đấu giá trực tiếp thửa đất thu hồi, sau đó khấu trừ chi phí hợp lý theo quy định để người dân bị thu hồi đất được hưởng giá tốt nhất có thể là nghiên cứu hay. Ông sẽ tiếp thu và khi có kỳ họp bàn về Luật Đất đai sẽ phản ánh đến cơ quan có thẩm quyền.
Theo ông Trí, kiến nghị của cử tri về việc cần quan tâm lợi ích người dân cao nhất như vậy là tốt nhưng phải hài hòa, công bằng và hợp lý, không ai cao hơn ai. Bởi nhà đầu tư không có lãi sẽ không phát triển được; lợi ích nhà nước cũng cần bảo vệ vì đó là lợi ích chung của quốc gia.
Về giá khởi điểm theo giá thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đất đai là loại hàng hóa khác nên giá đất chỉ lên, không xuống. Chính vì vậy, việc định giá đất là vấn đề khó khăn và còn nhiều ý kiến khác nhau.
“Những ý kiến của cử tri cũng nhiều, xoay quanh nhiều vấn đề như lợi ích bồi thường, giá đất… Chúng tôi sẽ ghi nhận đầy đủ để sắp tới, khi thảo luận về luật này sẽ đưa ra nhằm đảm bảo chất lượng luật tiệm cận với thực tiễn, giải quyết được các vấn đề mà xã hội quan tâm” - ông Trí trả lời cử tri.
Cạnh đó, Viện trưởng VKSND Tối cao cũng cho biết luật này nếu đáp ứng được nhu cầu hợp lý, hài hòa về lợi ích sẽ giảm tranh chấp, giảm bớt sự bức xúc của xã hội và góp phần giúp đất nước phát triển nhanh chóng.
Giải pháp hạn chế tội phạm trên không gian mạng
Cử tri Trương Hồng Sơn (ngụ phường 16, quận 8) phản ánh tình trạng lừa đảo, trục lợi cá nhân từ không gian mạng. Cơ quan chức năng cũng đưa ra các giải pháp như xóa SIM rác, buộc đăng ký tài khoản điện thoại, truy cứu trách nhiệm... nhưng hành vi lừa đảo ngày càng tinh vi, gây hại cho cộng đồng. Cử tri Sơn đề nghị Bộ TT&TT và các cơ quan cần quyết liệt hơn nữa.
Trả lời cử tri, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết vấn đề lừa đảo trên mạng đã có Luật An ninh mạng điều chỉnh; việc xử lý hành vi phạm tội trên không gian mạng đang được đẩy mạnh. Chuyển đổi số càng cao thì loại tội phạm này xuất hiện càng nhiều.
Ông Trí cũng đưa ra nhiều giải pháp như tiếp tục hoàn thiện, kịp thời bổ sung hệ thống pháp luật để đảm bảo quản lý chặt chẽ trên không gian mạng.
Thứ hai, phải tuyên truyền thông tin về phương thức, thủ đoạn để người dân phòng ngừa và biết không làm những hành vi vô tình hoặc cố ý vi phạm pháp luật.
Thứ ba là tăng cường quản lý nhà nước ở các cấp, lĩnh vực, những lĩnh vực phức tạp dễ phát sinh tội phạm.
Cuối cùng, tăng cường phát hiện để điều tra, truy tố, xét xử kịp thời các vụ án về tội phạm sử dụng công nghệ cao để răn đe, giáo dục chung.