“Mẹ, tan làm nhớ về sớm nhé”, cô con gái 6 tuổi của Mia Fan chào mẹ vào mỗi buổi sáng trước khi đi học. Cô Fan thường đáp lại bằng cái gật đầu và nụ cười tươi rồi “đi làm” vào lúc 8h30 sáng.
Nhưng thật ra, cô Mia Fan đã bị sa thải khỏi vị trí quản lý trong ngành tài chính ở một công ty tại Hàng Châu, miền đông Trung Quốc, hồi đầu tháng 5. Để giấu gia đình chuyện mình bị mất việc, cô Fan mang nước ra cửa hàng café ngồi. Cô dành cả buổi sáng để gửi hồ sơ ứng tuyển rồi chuyển sang cửa hàng sách vào buổi chiều và trở về nhà vào lúc 17h30.
Ngoài chồng và con gái, người phụ nữ 35 tuổi này còn sống cùng bố mẹ chồng. Cô giấu chuyện bị sa thải vì không muốn gia đình lo lắng, cũng không muốn trở thành hình ảnh tiêu cực trong mắt con gái. Cô Fan thừa nhận mình cảm thấy hơi xấu hổ khi mất việc, vì người thân ai nấy đều có tình hình tài chính tốt.
Cô Fan đã ứng tuyển hơn 70 vị trí việc làm khác nhau, nhưng chỉ nhận được chấp thuận của công ty có mức lương không như cô kỳ vọng. Một số công ty còn từ chối cô vì vấn đề tuổi tác. Họ chỉ muốn nhân sự dưới 35 tuổi.
“Tôi không thể hiểu nổi tại sao thị trường việc làm ở Trung Quốc lại khắc nghiệt với người trung niên đến vậy. Không ai nói với tôi lý do sa thải, chỉ biết rằng chỉ tiêu nhân sự đã đủ. Nhưng tôi nghĩ rằng tình trạng thất nghiệp quy mô lớn hiện nay có liên quan đến suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra”, cô nói thêm.
Nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và sự phục hồi chậm chạp trong năm 2023 thách thức những nỗ lực của Bắc Kinh phải tạo ra đủ việc làm. Đây vốn là vấn đề quan trọng để duy trì tăng trưởng và ổn định xã hội.
Ở Trung Quốc, nhóm người trung niên sẽ phải đối mặt mới số mốc đáng sợ là 35 tuổi. Cơ hội được nhận vào làm giảm xuống và thậm chí còn khó khăn hơn trong năm nay.
Khu vực tư nhân, xương sống của nền kinh tế Trung Quốc và là nguồn tạo việc làm chính, đang phải vật lộn với tốc độ phục hồi chậm. Tất cả các cấp chính quyền đang chịu áp lực để tạo việc làm cho thanh niên.
Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp của nhóm tuổi 25-59 của Trung Quốc giảm từ 4,2% trong tháng 4 xuống còn 4,1% trong tháng 5, nhưng tỷ lệ thất nghiệp của nhóm tuổi từ 16-24 tăng lên mức kỷ lục 20,8%.
Không chỉ mình cô Mia Fan đối diện với tình trạng khó khăn này. Cảnh người trung niên thất nghiệp đổ xô đến các quán café đang tràn lan trên mạng xã hội Trung Quốc. Họ sạc máy tính miễn phí, ngồi điều hoà miễn phí nhưng không mua lấy một tách café.
Đại dịch khiến cuộc khủng hoảng việc làm độ tuổi trung niên thêm nghiêm trọng. Nhiều người lớn tuổi phải đi xin việc trở lại. Từ tháng 2 đến tháng 9 năm 2020, số người tìm việc từ 35 tuổi trở lên trên nền tảng tuyển dụng Zhaopin đã tăng 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn gấp đôi tốc độ tăng của những người dưới 35 tuổi.
Anh Zhao Dejun, 41 tuổi, là tài xế taxi ở Nam Kinh. Anh tưởng rằng mọi thứ sẽ ổn hơn sau đại dịch, khi mọi người ra ngoài và sử dụng dịch vụ. Nhưng có rất nhiều người thất nghiệp xin đi làm tài xế, khiến công việc này cũng phải cạnh tranh khốc liệt. Thu nhập của anh Zhao đã giảm từ khoảng 1.200 tệ (167 USD) – 1.500 tệ xuống còn khoảng 300 tệ - 500 tệ.
Số người đăng ký giấy phép lái xe tăng vọt, nhưng số lượng lượt đặt xe giảm. Anh Zhao nói: “Ngày càng có nhiều người muốn chia miếng bánh này, nhưng bản thân chiếc bánh lại càng nhỏ đi”.
Trong những năm gần đây, nhiều người đã kêu gọi xóa bỏ giới hạn độ tuổi, xem đó như một phần nỗ lực giải quyết tình trạng phân biệt đối xử trong công việc, nhưng đạt được rất ít tiến bộ.
Cô Zheng Yinghua, 43 tuổi, ở Quảng Đông nhiều lần bị công ty từ chối vì lý do tuổi tác. Cô chuyển từ làm dược sĩ sang bán hàng trực tuyến. Cô chỉ có thể kiếm vài trăm nhân dân tệ mỗi tháng và thường xuyên bị chồng chê trách.
Còn với cô Mia Fan ở Hàng Châu, cô phải chấp nhận những công việc có mức lương thấp hơn trước đây. Nhưng tình trạng thiếu việc làm đã ảnh hưởng đến quyết định sinh thêm con. Cô nói: “Không có thu nhập, làm sao chúng tôi có thể sinh thêm con?”.
Tham khảo SCMP