Tưởng Ái Trân sinh năm 1954 trong một gia đình nề nếp. Tốt nghiệp cấp 2 năm 1970, theo phong trào đưa thanh niên trí thức về sống ở nông thôn, Trân đến Tân Cương công tác, trùng hợp là anh trai cô cũng được điều đến đây làm nhiệm vụ.
Thấy Trân phải làm việc đồng áng vất vả, anh trai bí mật nhờ quan hệ, định sắp xếp cho cô làm nhân viên tài vụ trong văn phòng địa phương. Tuy nhiên Trân không chịu nhờ vả, kiên trì với công việc ban đầu, nhờ đó nhận được đánh giá cao của cấp trên.
Năm 1972, Trân được chuyển đến làm y tá tại Bệnh viện Binh đoàn Xây dựng Tân Cương. Sau bốn năm công tác, cô được thăng chức làm bí thư chi đoàn của bệnh viện, đồng thời là Đảng viên chi bộ ở tuổi 22.
Cuối năm 1976, anh trai đến thăm Trân, nhờ đồng đội cũ là Trương Quốc Chính, phó bí thư chi bộ của bệnh viện, giúp chăm sóc em gái.
Trân không biết rằng sự thăng tiến liên tiếp khi còn rất trẻ của cô khiến bác sĩ tên Tạ Thế Bình, làm việc trong hiệu thuốc ngay cạnh văn phòng của Trân, đem lòng ghen tỵ từ lâu. Mặt khác, một cán bộ quản lý cấp trung của bệnh viện là Lý Bội Hoa vốn có mâu thuẫn với Trương Quốc Chính, luôn tìm cách hạ bệ đối phương nhưng chưa có cơ hội. Sau khi thấy Chính và Trân thân thiết hơn trong công việc, Hoa tìm đến Bình cùng bàn mưu vu khống Trân để qua đó hạ bệ Chính.
Bắt đầu từ năm 1977, Hoa phao tin đồn rằng Trân quyến rũ Chính, hai người quan hệ tình dục ở văn phòng, hủy hoại danh tiếng của bệnh viện. Sau đó, anh ta viết nhiều bài trên báo tường, dán tranh biếm họa tục tĩu trên đường phố. Hoa còn dẫn người xông vào văn phòng của Trân, đòi kiểm tra cơ thể cô.
Dưới ảnh hưởng của những tin đồn ác ý, nhiều đồng nghiệp bày tỏ bất mãn, khinh thường Trân. Họ chỉ trích quan hệ giữa cô và Chính, đồng thời nghi ngờ cô đi cửa sau để thăng tiến. Trân cố gắng giải thích nhưng đều bị chèn ép bởi thế lực của Hoa.
Vợ Hoa tên Chung Thu, cũng là bác sĩ ở bệnh viện, góp phần không nhỏ trong việc hãm hại Trân. Cô ta đề nghị với chồng lục soát phòng của Trân để tìm bằng chứng cho thấy Chính đã ở lại qua đêm.
Tối 17/3/1978, Hoa đến văn phòng của Trân, nói dối cần băng gạc và sai cô đi lấy. Sau khi Trân ra ngoài, Hoa lẻn vào phòng trong để ngụy tạo bằng chứng.
Khi trở lại, Trân bắt gặp Hoa đang lén lút trong phòng, còn Bình núp ở chỗ tối. Cô giật mình nghĩ họ đến để ăn cắp tiền nên lập tức chạy đi tìm Chính giúp xử lý. Nhưng khi Trân dẫn Chính quay lại, Hoa đổi trắng thay đen, chặn cả hai rồi làm to chuyện khiến cả bệnh viện nghĩ họ hẹn gặp riêng để qua đêm.
Thấy sự việc ngày càng tồi tệ, Trân tìm kiếm trợ giúp từ chi đoàn, nhưng lãnh đạo chỉ nói: "Có lỗi lầm thì nên thừa nhận, thẳng thắn mới giải quyết được vấn đề". Hết cách, cô nhờ cậy các đồng nghiệp thân thiết lên tiếng đòi lại công bằng. Nhưng ai có ý giúp đỡ Trân đều bị Hoa bắt viết kiểm điểm, xử phạt và điều đi nơi khác. Dưới áp lực, không còn ai dám dang tay giúp Trân, bất kể cô và Chính kiến nghị thế nào đều không được hồi đáp.
Ngày 18/3/1978, Hoa tổ chức cuộc họp công khai, khiển trách Trân có hành vi sai trái, phẩm hạnh không đoan chính, đồng thời khuyên cô tự kết liễu.
Mới 24 tuổi, rơi vào hoàn cảnh bị cô lập, thanh danh bị chà đạp, tính mạng bị đe dọa, đả kích nặng nề khiến Trân tâm thần bất ổn. Hàng ngày đến bệnh viện, cô đều bị giám sát chặt chẽ, sức khỏe ngày càng xấu đi.
Ngày 27/9/1978, Trân viết thư tuyệt mệnh cho gia đình, giải thích mọi chuyện. Ba ngày trước đó cô không đi làm, chỉ ở trong ký túc xá một mình.
Tối 28/9, đội trưởng dân quân thông báo Trân hôm sau đi huấn luyện bắn mục tiêu. Cô quyết định nhân cơ hội này liều mạng với những kẻ hãm hại mình.
Trân lục rương lấy 8 viên đạn còn dư sau những lần tập bắn trước, cẩn thận lên kế hoạch nhằm vào Bình và vợ chồng Hoa.
Sáng 29/9, Trân nhận một khẩu súng trường, lặng lẽ lên đạn. Giấu vũ khí trong áo khoác, cô đến thẳng nơi làm việc của Hoa, gọi anh ta rồi bóp cò. Bắt gặp Thu đang nói chuyện trên hành lang, Trân tiếp tục nổ súng hạ gục đối phương.
Sau đó, Trân đi về phía hiệu thuốc tìm Bình. Trước khi đến đó, cô gặp vợ Bình đang cầm chậu rửa mặt đi lấy nước. Nhìn thấy khẩu súng trong tay Trân, cô ta lập tức ném chậu rửa mặt, vừa chạy vừa hét lên "Tha cho tôi". Mới được vài bước, vợ Bình bị bắn chết.
Trên đường, Trân bắn hụt một bác sĩ thuộc phe Hoa. Sau đó cô đi thẳng về ký túc xá tìm mục tiêu khác nhưng bị đám đông bao vây trên sân bóng, bị bắt sau hơn một giờ giằng co.
Bắn chết ba người, Trân bị kết án tử hình.
Ngày 20/10/1979, tờ People's Daily đăng bài báo có nhan đề "Vì sao Tưởng Ái Trân giết người", nêu rõ ngọn nguồn ân oán, gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước.
Nhiều cán bộ, quần chúng bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ Trân, đồng thời yêu cầu trừng trị nghiêm khắc những kẻ đã vu khống, bức hại cô. Người dân Tân Cương tập trung trước cổng tòa án yêu cầu tha tội cho Trân, gửi hơn 15.000 bức thư ủng hộ cô chỉ trong 5 tháng.
Dưới áp lực, phiên tòa bị trì hoãn suốt 5 năm. Đến tháng 9/1984, Trân được tòa án xem xét lại, bản án tử hình được đổi thành tù chung thân vì tội cố ý giết người. Trân kháng cáo.
Ngày 16/1/1985, TAND cấp cao của khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương đưa ra phán quyết cuối cùng, kết án Trân 15 năm tù. Những kẻ tham gia hãm hại cô cũng phải nhận trừng phạt.
Nhờ cải tạo tốt, Trân được giảm án nhiều lần và được ra tù năm 1991.
Tuệ Anh (Theo Toutiao, Sina, 163)
Xem thêm: lmth.2602264-nao-uv-ib-at-y-un-auc-uht-oab-gnus-tahp-ab/ten.sserpxenv