Khác xa bầu không khí căng thẳng ngày tham gia phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew đã thu hút được đám đông cuồng nhiệt khi tham gia một sự kiện được tổ chức ở Indonesia tháng này. Trong chiếc sơ mi truyền thống, giữa ánh đèn disco và âm nhạc sôi động, vị CEO tuyên bố sẽ “đầu tư hàng tỷ USD” vào Đông Nam Á. Trong đó, chỉ riêng Indonesia sẽ nhận được 10 tỷ USD đầu tư trong vòng 5 năm.
“Nền tảng Tiktok tại Indonesia hiện đã quá lớn và phổ biến. Chẳng có chính trị gia nào muốn đụng đến nền tảng này vì họ có thể mất phiếu bầu từ những cử tri trẻ”, phó Giáo sư Ross Tapsell của trường đại học quốc gia Australia nhận định.
Quang cảnh này trái ngược hoàn toàn với hồi tháng 3 - ngày Shou Zi Chew trong bộ vest đối mặt với loạt câu hỏi nghi vấn từ giới chức Mỹ. Ứng dụng video dạng ngắn cực kỳ phổ biến của anh, thuộc sở hữu của ByteDance Trung Quốc, đã được gọi với nhiều cái tên khác nhau, từ công cụ giám sát đến “căn bệnh ung thư”.
Bị thất sủng ở Mỹ, TikTok dấn thân sang Đông Nam Á - nơi gần 700 triệu dân số có thể tác động tới sự thành bại của ứng dụng. ByteDance, công ty mẹ Tiktok, đang tìm cách biện minh cho mức định giá 300 tỷ USD, qua đó biến mình trở thành startup tư nhân được định giá cao nhất thế giới.
Điều này khiến việc săn lùng doanh thu ở Đông Nam Á trở nên vô cùng quan trọng. Ứng dụng chỉ mới ra mắt khu vực vào năm 2021, song TikTok Shop đã được thiết lập để tăng hơn gấp đôi doanh thu từ thương mại điện tử. Dự kiến, tổng doanh thu hàng hóa GMV sẽ đạt 15 tỷ USD trong năm nay, cao hơn nhiều so với mức 4,4 tỷ USD hồi năm ngoái.
“Năm nay đúng là năm của Tiktok. Quy mô khách hàng cũng như khả năng sẵn sàng chi tiêu của họ ở mức không ứng dụng nào so sánh nổi”, một người dùng cho biết.
Đại diện TikTok Shop cho biết ứng dụng này sẽ “tiếp tục phát triển nhanh chóng” khi ngày càng nhiều người bán sử dụng nền tảng này để tiếp cận khách hàng mới. Vào năm 2022, TikTok Shop mở rộng ra 6 quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan.
“TikTok tiếp tục phát triển nhanh chóng ở các nước Đông Nam Á. Chúng tôi ước tính rằng tổng giá trị hàng hóa (GMV) của TikTok vào năm 2023 sẽ đạt 20% so với Shopee”, Shawn Yang, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Blue Lotus, cho biết.
Tuy nhiên, theo Jonathan Woo, nhà phân tích cấp cao của Phillip Securities Research,
TikTok Shop “vẫn còn rất non trẻ” và đang trong “giai đoạn đốt tiền để phát triển”. Hơn nữa, bản thân TikTok Shop cũng đang phải đối mặt với nhiều lo ngại xoay quanh việc bán hàng kém chất lượng. Thuật toán đề xuất video từ người lạ nên tài khoản mới lập cũng có thể lập tức lan truyền, từ đó giúp những chủ shop tiếp cận khán giả nhanh hơn hẳn Instagram và YouTube - nơi mỗi tài khoản phải có lượng người theo dõi nhất định.
“Nhìn chung, TikTok Shop có tiềm năng lớn như Shopee và Lazada, dù điều này có thể mất khá nhiều năm nữa”, Woo nói.
Dẫu vậy, không thể phủ nhận sức hút đặc biệt của ứng dụng mua sắm TikTok Shop nói riêng và TikTok nói chung. FT mới đây đã dẫn chứng một tài khoản Indonesia có tên @Octaviana_tas_grosir với 3 triệu lượt theo dõi. Người dùng này đã tận dụng lượng follower đông đảo để mở 3 nhà kho và tạo ra rất nhiều việc làm cho mọi người.
TikTok, với những mục tiêu đầy tham vọng, vẫn đang dự đoán mức tăng trưởng vượt bậc ở châu Á. Một giám đốc điều hành trong khu vực cho biết con số 15 tỷ USD có thể là “khiêm tốn” nếu so với sức hút của ứng dụng hiện nay.
“TikTok hiện đang chi một số tiền đáng kinh ngạc để khuyến khích cả người mua và người bán”, Jonathan Woo noi, đồng thời ước tính các ưu đãi rơi vào khoảng 600 triệu đến 800 triệu USD/năm.
Dĩ nhiên, TikTok vẫn phải đối mặt với một số thách thức ở châu Á, chẳng hạn như vượt ra khỏi vùng an toàn mang tên sản phẩm giá rẻ.
“Họ có thế mạnh về mỹ phẩm và làm đẹp, không phải đồ điện tử hay hàng gia dụng có tỷ suất lợi nhuận cao. Họ đã gặp khó khăn bất chấp những nỗ lực mạnh mẽ”, giám đốc điều hành tại một nền tảng thương mại điện tử nói, đồng thời cho biết việc phụ thuộc nhiều vào bên giao hàng thứ ba bị coi là điểm yếu của TikTok Shop.
Hiện tại, dữ liệu từ công ty phân tích trang web Similarweb cho thấy Shopee vẫn là thị trường trực tuyến lớn nhất Đông Nam Á, nắm giữ 30%-50% lưu lượng truy cập trên toàn khu vực trong 3 tháng qua. Lazada giữ vị trí thứ hai với 10%-30% lưu lượng truy cập.
Để so sánh, GMV hiện tại của TikTok Shop chỉ bằng một phần nhỏ so với Shopee và Lazada. GMV của Shopee đạt 73,5 tỷ USD vào năm 2022, trong khi GMV của Lazada là 21 tỷ USD tính đến tháng 9/2021, theo CNBC. Shopee hiện đang mở rộng quy mô hoạt động ở Malaysia sau khi ‘rút chân’ khỏi một số thị trường châu Âu và Mỹ Latinh.
Theo: FT, CNBC