Tại Hội thảo "Net Zero - Chuyển dịch Xanh: Cơ hội cho người dẫn đầu" do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức sáng 27/6, các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến, đề xuất nhằm thực hiện hiệu quả chuyển dịch xanh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện đang là đơn vị chắp bút cho Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Phát biểu tại phiên tọa đàm "Đòn bẩy chính sách", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, việc phát triển bền vững đến từ khía cạnh hiệu quả. Nếu không chú ý đến môi trường, phát triển bền vững, chúng ta sẽ chịu tác động rất xấu tới người dân, doanh nghiệp, vượt quá lợi ích kinh tế mà các giai đoạn trước mang lại.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại tọa đàm
Net Zero – tăng trưởng xanh là vấn đề phức tạp giữa mục tiêu phát triển kinh tế và mục tiêu phát triển bền vững, nhất là với các quốc gia đang phát triển và đang chuyển đổi như Việt Nam.
Bà Ngọc bày tỏ hoàn toàn đồng tình với thông điệp của chương trình rằng đây là nhiệm vụ chính trị của Chính phủ và của cả người dân.
"Sự quản trị tổng thể của Chính phủ mang tính cốt lõi xem chúng ta có thể phát triển bền vững hay không. Mục tiêu Net Zero phải có sự thay đổi hoàn toàn về nhận thức, tư duy hoạch định chính sách, lượng hóa chuyển đổi theo đổi mới sáng tạo", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.
Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền và Giám đốc Trung tâm sản xuất và Phát triển nội dung số, Đài THVN Đinh Trần Việt tham dự Hội thảo
Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh có 10 định hướng chiến lược với các ngành, lĩnh vực cùng 8 nhóm giải pháp. Kế hoạch hành động Tăng trưởng Xanh quốc gia cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với 134 hoạt động cụ thể. Trong đó nhấn mạnh giải pháp ưu tiên, khả thi, sẵn sàng nguồn lực, đồng lợi ích và có khả năng lan tỏa thay vì các phương án chỉ khả thi về kinh tế.
Một điểm nhấn nữa của tăng trưởng xanh là cân bằng và hiệu quả, theo đó chiến lược này nhằm thay đổi cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
"Đây là những lợi ích mang tính dài hạn. Chúng ta càng làm sớm, càng hiệu quả và rủi ro càng thấp. Chúng tôi đã lượng hóa, bổ sung chính sách, dự báo lượng CO2 phát thải theo kịch bản tối ưu và hiệu quả. Hạn chế phát thải khi chúng ta tăng trưởng nhanh cần các giải pháp công nghệ công trình và phi công trình", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh có 10 định hướng chiến lược với các ngành, lĩnh vực cùng 8 nhóm giải pháp
Bà Ngọc cũng nêu lên trách nhiệm của doanh nghiệp và cộng đồng. Về phía quản lý nhà nước, cần khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, giảm hiệu ứng nhà kính trong quá trình sản xuất kinh doanh. Khi xây dựng chiến lược, một trong những quan điểm xuyên suốt không phải là vị thế quốc gia mà là lợi ích ngắn hạn, dài hạn cho mỗi người dân. Mục tiêu tăng trưởng xanh là bình đẳng, bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau. Thực hiện tăng trưởng xanh sẽ giảm bệnh tật, đem lại ích cho tất cả các đối tượng, trong đó nhóm yếu thế sẽ được hưởng lợi hơn hết.
"Không phải bây giờ mà chúng ta đã chuẩn bị chiến lược tăng trưởng xanh từ rất lâu. Chiến lược tăng trưởng xanh nay được điều chỉnh để phù hợp với các cam kết của Việt Nam. Hàng loạt chính sách tăng trưởng xanh đã bắt đầu hình thành. Công tác truyền thông cũng có vai trò quan trọng trong tăng trưởng xanh" – Thứ trưởng Ngọc nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang chủ trì tiến hành nghiên cứu, xây dựng một bộ tiêu chí khoa học về phân loại xanh quốc gia, là cơ sở lựa chọn các dự án đầu tư, cũng như lượng hóa, đánh giá tiến bộ của tăng trưởng xanh.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, để triển khai tăng trưởng xanh cần bộ tiêu chí phân loại xanh quốc gia để làm cơ sở thực hiện. Đến năm 2022, đã có 30 quốc gia xây dựng bộ tiêu chí xanh.
Đối với Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng bộ tiêu chí phân loại xanh quốc gia hài hòa về nhiều yếu tố, trong đó lựa chọn các dự án đầu tư xanh, huy động nguồn lực trong nước và quốc tế, giúp lượng hóa tiến độ tăng trưởng xanh. Nhờ đó các dự án xanh có điều kiện nguồn tiếp cận tài chính xanh, chính sách ưu đãi mới.
"Bộ tiêu chí nếu không mang tính bao trùm, thông lệ quốc tế sẽ rất khó huy động nguồn lực. Trong thời gian tới, chúng tôi kỳ vọng ban hành chi tiết các lĩnh vực, dự án phù hợp định hướng tăng trưởng xanh. Đây là những định hướng, tiêu chuẩn phù hợp thông lệ quốc tế. Trên cơ sở này, các bộ ngành sẽ xây dựng tiêu chuẩn của từng bộ ngành" – bà Ngọc chia sẻ.
Ông Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên & Môi trường chia sẻ
Để thực hiện xanh hóa các ngành kinh tế, Chiến lược Tăng trưởng Xanh cũng hướng đến áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Dự kiến tháng 12 này, Bộ Tài nguyên & Môi trường sẽ trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quyết định về kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn.
Về kế hoạch này, ông Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên & Môi trường cho biết, quan điểm quốc gia tập trung trong Luật Bảo vệ môi trường, trong đó kinh tế tuần hoàn nhằm mục tiêu giảm thiểu sử dụng nguyên nhiên vật liệu hóa thạch, kéo dài vòng đời sản phẩm và vật liệu, giảm phát thải, rác thải ra môi trường.
Để thực hiện mục tiêu này, Nhà nước xây dựng chính sách khuyến khích về ưu đãi đất đai, khuyến khích doanh nghiệp tham gia chuyển đổi xanh. Thứ 2, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm, sáng tạo, tích hợp vào sản xuất, tiêu dùng bền vững. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Cuối cùng, huy động nguồn lực quốc tế để thực hiện kinh tế tuần hoàn.
VTV.vn - Chuyển đổi xanh không chỉ là việc của mỗi quốc gia, của những doanh nghiệp lớn, mà là nhiệm vụ chung của toàn xã hội và mỗi cá nhân
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.94215327172603202-nad-iougn-iom-ohc-hci-iol-iv-hnax-gnourt-gnat/et-hnik/nv.vtv