Cụ thể, thai phụ là chị T.Q. (39 tuổi, Bình Dương) mang thai lần thứ ba, có khám thai định kỳ tại phòng khám tư nhân và Bệnh viện Từ Dũ. Lúc thai 25 tuần phát hiện nhau cài răng lược thể Increta.
Đến 31 tuần, tình trạng xâm lấn bánh nhau tiến triển nặng hơn nên siêu âm nghi ngờ nhau cài răng lược thể Percreta (gai nhau xâm lấn xuyên qua phúc mạc tử cung và có thể xâm lấn đến cơ quan lân cận).
Chị Q. có tiền căn sinh thường hai lần. Năm 2021, chị phát hiện có nhân xơ tử cung to gây rong kinh nên được bác sĩ phẫu thuật bóc nhân xơ. Sau mổ, thai phụ ngừa thai bằng vòng thấy không hợp nên tháo vòng ra và đặt que cấy tránh thai.
Sau một thời gian cấy que chị bị rong kinh, rong huyết nên lại tháo ra chuẩn bị uống thuốc ngừa thai mỗi ngày. Chưa kịp uống thuốc ngừa thai thì chị lại bị trễ kinh và thử que biết mình có thai.
Sáng 23-6, chị Q. đang mang thai được 33 tuần thì thấy đột ngột đau bụng dữ dội, đau liên tục càng lúc càng tăng, cơn đau có cường độ mạnh gấp 10 lần cơn đau đẻ của hai lần sinh trước.
Sau 15 phút, người nhà gọi xe đưa thẳng đến Bệnh viện Từ Dũ, trên đường đi chị đã ngất xỉu không còn khả năng nhận biết.
Tại khoa cấp cứu, bệnh nhân đã rơi vào hôn mê, ngưng tim, ngưng thở, mạch huyết áp không đo được, bụng chướng căng khó xác định thai nhi.
Các bác sĩ nhanh chóng xác định đây là một trường hợp vỡ tử cung, sốc mất máu nguy kịch đến tính mạng, kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện huy động toàn bộ lực lượng nhân viên y tế có trình độ chuyên môn hỗ trợ.
Ngay sau đó, bệnh nhân lập tức được hồi sức tích cực bằng nhấn tim ngoài lồng ngực, tiêm adrenalin, đặt nội khí quản, lập đường truyền tĩnh mạch và chuyển lên phòng mổ.
Trong quá trình phẫu thuật, vào bụng các bác sĩ thấy có khoảng 3.000ml máu loãng, máu cục và đã rạch cơ tử cung bắt em bé trai non tháng, không phản xạ, tím tái.
Bác sĩ sơ sinh sẵn sàng hồi sức tích cực đặt nội khí quản, bóp bóng và nhanh chóng đưa bé về khoa sơ sinh để cho vào máy thở nhằm tạo cơ hội sống mong manh cho bé.
Sau khi lấy em bé ra, bác sĩ kiểm tra thấy nhau xâm lấn ăn thủng tử cung góc trái mặt sau khoảng 3-4cm và có mạch máu đang chảy. Bác sĩ gỡ dính, cắt tử cung chừa hai buồng trứng.
Trong quá trình mổ, hồi sức tích cực, bơm máu liên tục thì bệnh nhân có tim trở lại.
Sau ba ngày, chị Q. đã có thể tự đi lại vệ sinh cá nhân, ăn uống được nhiều loại thức ăn và có cảm giác ngon miệng.
Hiện các bác sĩ đang nỗ lực cứu sống cho em bé.
Nhau cài răng lược ở thai phụ là gì?
TS Bùi Chí Thương, trưởng khối sản Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết nhau thai là bộ phận phát triển bên trong tử cung làm nhiệm vụ cung cấp dinh dưỡng, oxy… nuôi dưỡng bào thai được kết nối qua dây rốn.
Khi em bé được sinh ra thì chức năng của nhau thai cũng chấm dứt, đồng nghĩa với việc nó sẽ phải được đào thải hết ra ngoài cơ thể.
Nhưng trong một vài trường hợp, nhau thai không tự bong ra một cách tự nhiên mà dính chặt trên thành tử cung, tình trạng này được gọi là nhau cài răng lược. Sản phụ có nguy cơ băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu phẫu..., thậm chí gây nguy hiểm tính mạng.
Một trong những cách giảm nguy cơ mắc phải nhau cài răng lược ở những lần mang thai sau là mẹ bầu nên sinh ngả âm đạo thay vì sinh mổ nếu không có chỉ định mổ lấy thai của bác sĩ.
Đồng thời nên ngừa thai hiệu quả, sinh đẻ có kế hoạch, không nạo, hút thai, không nên sinh quá nhiều con: sau mỗi lần sinh, tử cung sẽ yếu dần, tăng nguy cơ mắc bệnh và nên khám thai định kỳ, siêu âm phát hiện sớm nhau cài răng lược.
Chị S. thấy đau bụng, có dấu hiệu sinh con nên đã đi xe buýt quay lại để vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán. Tuy nhiên, khi vừa xuống tới bến xe buýt thì chị chuyển dạ và sinh con luôn.