Ngày 27-6, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) ra thông báo về việc hủy bỏ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu GAB của Công ty cổ phần Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC và cổ phiếu AMD của Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone.
Hủy niêm yết cổ phiếu nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư
Phía HoSE cho biết hai cổ phiếu trên đang thuộc diện chứng khoán bị đình chỉ giao dịch vì nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022 trễ quá nửa năm so với quy định.
Ngoài ra, hai mã này cũng đang thuộc diện kiểm soát do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 30 ngày so với thời hạn quy định.
Đến nay, cả GAB và AMD đều chưa khắc phục được nguyên nhân đưa chứng khoán vào diện đình chỉ giao dịch và diện kiểm soát.
"Tổ chức niêm yết vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, không hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Sở Giao dịch chứng khoán và các trường hợp khác mà Sở Giao dịch chứng khoán hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư", HoSE dẫn căn cứ quy định.
Ngoài quy định trên, dựa vào ý kiến của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, HoSE chính thức ra quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với hai cổ phiếu GAB và AMD.
Như Tuổi Trẻ Online đưa tin, mới đây cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can thêm 15 người liên quan đến vụ án cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết "thổi giá" cổ phiếu.
Kể từ khi ông Quyết bị bắt để điều tra về hành vi thao túng chứng khoán, không chỉ FLC, hoạt động kinh doanh của hàng loạt công ty khác thuộc hệ sinh thái cũng bị chao đảo.
Trong 7 mã chứng khoán thuộc "họ FLC", đến nay có tới 5 mã bị hủy niêm yết gồm FLC (Tập đoàn FLC), ROS (Xây dựng FLC Faros), HAI (Nông dược HAI), AMD (Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone) và GAB (Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC).
Hai mã còn lại là KLF (Đầu tư thương mại và Xuất nhập khẩu CFS) và ART (Chứng khoán BOS) hiện đang bị đình chỉ giao dịch, đứng trước nguy cơ bị niêm yết bắt buộc trong trường hợp không công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán.
Được biết, riêng Tập đoàn FLC hiện có hơn 64.100 cổ đông, nắm giữ tới gần 710 triệu cổ phiếu. Số lượng cổ đông ở sáu doanh nghiệp còn lại thuộc "hệ sinh thái FLC" cũng không nhỏ. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư đã trót mua và chưa kịp "tháo chạy" không khỏi lo lắng vì chưa biết tới khi nào mới có thể "thoát hàng".
Cơ quan an ninh điều tra Công an TP Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án hình sự thao túng chứng khoán xảy ra tại Công ty CP Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (APS), Công ty CP Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (API) và Công ty CP Đầu tư IDJ Việt Nam.