Anh trai tôi qua đời để lại hai con chưa trưởng thành. Khi mất anh để lại tài sản gồm nhà, đất và ô tô. Tổng giá trị tài sản khoảng 50 tỉ. Anh mất chưa lâu thì chị dâu muốn tái hôn. Chúng tôi lo sợ tài sản của anh lại về tay người khác, vậy tôi cần làm gì để giữ lại được tiền bạc nuôi các cháu ăn học trưởng thành?
Bạn đọc Trần Thanh Huy (Ba Vì, Hà Nội) gửi câu hỏi xin tư vấn.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) trả lời về việc bạn lo lắng chị dâu tái hôn như sau:
Khi anh trai bạn mất, theo quy định của pháp luật thì di sản do anh bạn để lại sẽ được chia thừa kế. Nếu anh bạn có lập di chúc, di chúc đó hợp pháp thì di sản sẽ được chia theo nội dung di chúc. Trường hợp không có di chúc thì di sản sẽ được chia theo pháp luật.
Theo như nội dung mà bạn cung cấp cho chúng tôi thì các con của anh trai bạn chưa trưởng thành, trong trường hợp này tôi hiểu là các cháu chưa thành niên, tức chưa đủ 18 tuổi.
Vì vậy, dù di sản được phân chia thừa kế theo di chúc hay theo pháp luật thì mẹ của các cháu vẫn là người đại diện theo pháp luật của các cháu.
Khi đó mẹ của các cháu sẽ là người đại diện để đứng ra nhận, quản lý phần di sản thừa kế của các cháu.
Nếu sau khi khai nhận di sản của anh trai bạn, chị dâu của bạn có những hành vi phá tán tài sản của con thì Tòa án có quyền ra quyết định hạn chế một phần hoặc toàn bộ quyền của chị dâu bạn đối với các con chưa thành niên để bảo vệ phần tài sản cũng như quyền lợi của các cháu.
Theo quy định tại Điều 86 Luật Hôn nhân và gia đình thì những người sau đây có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên:
1. Cha, mẹ, người giám hộ của con chưa thành niên, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên.
2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.
3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện cha, mẹ có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên.
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì chị dâu bạn vẫn đứng ra đại diện cho các con nhận di sản thừa kế của anh trai bạn. Nếu bạn cho rằng chị dâu bạn có hành vi phá tán tài sản của các cháu, thì bạn có thể nhờ các cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều 86 Luật Hôn nhân gia đình vừa nêu yêu cầu tòa án hạn chế quyền của chị dâu bạn đối với các con.
Ngoài ra, trong trường hợp thừa kế theo pháp luật này, không chỉ chị dâu và các cháu của bạn là người được hưởng di sản mà còn có cha, mẹ của anh trai bạn cũng là những đồng thừa kế theo hàng thừa kế thứ nhất.
Khi đó trong trường hợp xấu nhất nếu chị dâu của bạn lén lút bán hoặc cho tặng các tài sản đó cho người khác thì cũng không được vì đều phải có sự đồng ý của các đồng thừa kế còn lại chính là cha mẹ của bạn.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ tuvanphapluat@tuoitre.com.vn.