"Chủng tộc đơn độc" ở Hàn Quốc
Ăn một mình, uống rượu một mình, xem phim một mình, du lịch một mình,… đều đã là những hiện tượng không còn mấy xa lạ đối với giới trẻ Hàn Quốc. Dường như nét “văn hóa một mình” đầy cô độc của thanh niên xứ sở kim chi đã trở thành một dòng chảy mới trong chính xã hội vốn đã đầy khắc nghiệt của nước này.
Theo truyền thông Hàn Quốc, vấn đề việc làm và nhà ở trở thành những gánh nặng đè lên đôi vai của những người trẻ, khiến họ trở nên lười yêu và sợ kết hôn.
Trang Korea, cổng thông tin điện tử chính thức của chính phủ Hàn Quốc dẫn kết quả tổng điều tra dân số và hộ gia đình năm 2020 của Cục Thống kê Quốc gia Hàn Quốc cho thấy số hộ gia đình một người là hơn 6,6 triệu người trong năm 2019, chiếm 31,7% tổng số hộ gia đình.
Đặc biệt, trong số hơn 6 triệu hộ gia đình một người, số người trong độ tuổi 20 là hơn 1,3 triệu người, tăng 52,9% so với 5 năm trước đó.
Trong khi đó, tờ Guardian của Anh phân tích rằng chính chi phí sinh hoạt, giá nhà ở quá cao mới là nguyên nhân chính khiến người trẻ càng trở nên e ngại chuyện yêu đương và kết hôn.
Không những vậy, gánh nặng nuôi con và chi phí giáo dục của trẻ em tăng cao cũng là một phần khiến nhiều người trẻ chọn cuộc sống độc thân.
Đặc biệt, những nỗi ám ảnh và định kiến về gia đình truyền thống cũng là một lý do khác. Bởi nhiều phụ nữ đã phải rời bỏ công việc của mình để trở thành những bà nội trợ, cả ngày chỉ tất bật với công việc nhà và chăm con kể từ sau khi kết hôn ở tuổi 30.
Ngoài ra, bất bình đẳng giới cũng được cho là một nguyên nhân làm gia tăng số lượng người độc thân trong giới trẻ Hàn Quốc.
Tờ Guardian cũng cho biết Hàn Quốc là quốc gia có sự khác biệt trong việc phân chia tiền lương theo giới tính cao nhất trong nhóm các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Gần một nửa thế hệ Gen Z Trung Quốc không hẹn hò vì quá tốn kém
Theo báo cáo năm 2022 của viện Khoa học về Sức khỏe tâm thần sinh viên của Trung Quốc, có đến 42% thanh niên nước này mong muốn sống độc thân.
Cuộc khảo sát của viện nghiên cứu trên được thực hiện với khoảng 80.000 sinh viên đến từ 31 tỉnh thành và khu tự trị của Trung Quốc.
“Tôi dành tất cả thời gian của mình để cầu mong sự giàu có mà tôi vẫn hằng mong muốn. Tôi không có năng lượng cho các mối quan hệ”. Đoạn “điệp khúc” được lan truyền khắp các trang mạng xã hội Trung Quốc cũng chính là lời giải thích vì sao giới trẻ nước này chán ngán việc hẹn hò đến vậy.
Đối mặt với thị trường việc làm khốc liệt và tỉ lệ thất nghiệp cao kỷ lục, nhiều bạn trẻ cho rằng họ thậm chí còn không đủ điều kiện kinh tế để đáp ứng chuyện hẹn hò, nên việc kết hôn lại càng không thể, nền tảng tin tức RADII của Trung Quốc nhận định.
Một thanh niên viết trên trang Weibo: “Cái giá của tình yêu bây giờ là quá cao. Việc phóng tay đi ăn hoặc đi chơi cũng sẽ tiêu tốn của bạn rất nhiều tiền, có thể là hàng trăm hoặc thậm chí là hàng ngàn (nhân dân tệ)”.
Tương tự như giới trẻ Hàn Quốc, nhiều cô gái tại đất nước tỉ dân cũng ngày càng trở nên độc lập. Họ mong muốn tiến đến sự thành công trong sự nghiệp cá nhân hơn là tìm kiếm một bến đỗ cho mình.
“Thật sảng khoái khi được ở một mình. Bạn sẽ không phải lo nghĩ xem mình cần làm gì để chồng và con vui vẻ mỗi ngày, cũng không phải chật vật xoay sở những khoản chi phí khổng lồ do hôn nhân và nuôi con mang lại”, một người dùng Weibo khác chia sẻ.
Hơn ¼ dân số ở độ tuổi 30 của Nhật “trốn” kết hôn vì đủ thứ gánh nặng
Theo một báo cáo về bình đẳng giới năm 2022 của Văn phòng Nội các Nhật Bản, có đến 25,4% nữ giới và 26,5% nam giới cho biết họ không muốn kết hôn bởi rất nhiều nguyên do khác nhau.
Cụ thể, theo báo Asahi, phụ nữ Nhật Bản “trốn” kết hôn bởi họ lo sợ sẽ mất công việc sau khi kết hôn hoặc sau khi nghỉ thai sản, lo ngại việc nuôi dạy con cái và chăm sóc cha mẹ già.
Trong khi đó, tình trạng việc làm không ổn định hoặc những khó khăn về tài chính lại là là nguyên do khiến nam giới tại đất nước này không buồn lấy vợ.
Áp lực cuộc sống, tài chính, không muốn ràng buộc, quan niệm về hôn nhân không theo kiểu truyền thống là những điều khiến không ít phụ nữ trẻ ngại kết hôn.