Đồng, graphite, lithium, nickel, đất hiếm… tất cả đều có vai trò quan trọng với công nghệ hiện đại. Chúng là những nguyên liệu thiết yếu để sản xuất smartphone, turbine gió, những tấm pin, xe điện, thiết bị quốc phòng và nhiều thiết bị công nghệ khác. Tương lai năng lượng sạch mà thế giới mong muốn sẽ không thể trở thành hiện thực nếu thiếu chúng.
Trong những năm 1970, các nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới đã biến dầu mỏ thành vũ khí hữu hiệu. Do đó, rất dễ hiểu khi việc Trung Quốc thống trị chuỗi cung ứng các loại khoáng sản chủ chốt đang gây ra nhiều lo ngại.
Trung Quốc hiện đang giữ vị thế độc quyền với rất nhiều loại khoáng sản. Nước này cung cấp gần 90% lượng nguyên tố đất hiếm đã qua xử lý trên toàn thế giới. Trung Quốc cũng là nước sản xuất lithium nhiều nhất. Trong khu vực Ấn Độ Dương, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác đang cố gắng tìm cách đa dạng hóa để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Điều này sẽ mang đến nhiều tác động về mặt địa chính trị.
Hiện nhiều diễn đàn đa phương đang thảo luận về kế hoạch tạo ra chuỗi cung ứng mới đối với nhiều loại khoáng sản quan trọng. Ví dụ như Quad (nhóm bộ tứ gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản). Các nước giàu tài nguyên như Australia và Indonesia cũng đặt mục tiêu khai thác hiệu quả hơn nguồn tài nguyên quan trọng.
Theo Viện nghiên cứu châu Á, 1 think tank ở Seattle (Mỹ), chiến lược mới tập trung vào 3 thứ: “friend – shoring” (tức chuyển chuỗi cung ứng về các nước thân thiện), chuyển mô hình quản trị chuỗi từ “just in time” sang “just in case” và cuối cùng là đảm bảo năng lực sản xuất dự phòng.
Đã có rất nhiều sáng kiến ra đời. Như Bộ trưởng tài nguyên Australia Madeleine King đã nói, sự thống trị của Trung Quốc là “1 thách thức mang tính chiến lược”. Hôm 20/6, chính phủ Australia vừa tuyên bố chiến lược để giải quyết vấn đề này.
Australia hiện là nhà sản xuất lithium lớn nhất, nhà sản xuất cobalt lớn thứ 3 và nhà sản xuất đất hiếm lớn thứ 4 thế giới. Nước này đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành nhà sản xuất quan trọng bậc nhất thế giới. Để làm được điều đó, chính phủ Australia cam kết chi 500 triệu AUD (tương đương 343 triệu USD) cho các dự án mới. Ngoài ra Australia vẫn đang có quỹ 2 tỷ AUD chuyên tài trợ cho các dự án khai khoáng trong giai đoạn đầu, trong đó có nhiều nhà máy tinh chế đất hiếm.
Là đối tác thương mại lớn của Mỹ, Australia hi vọng sẽ đủ tiêu chuẩn hưởng các chính sách trợ cấp cho ngành năng lượng xanh theo Đạo luật giảm lạm phát của Tổng thống Joe Biden. Hồi tháng 4, 1 đoàn gồm đại diện của nhiều công ty Australia đã tới Tokyo với hi vọng dòng vốn đầu tư và các hợp đồng thu mua dài hạn của Nhật Bản sẽ giúp ích cho ngành khai khoáng giống như họ đã hỗ trợ cho các công ty khai thác quặng sắt và khí đốt.
Trong khi đó, Hàn Quốc - với tham vọng thâu tóm thị trường xe điện và pin xe điện toàn cầu – đang trở nên dễ bị tổn thương trước sự cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc. Đầu năm nay, Hàn Quốc công bố đại kế hoạch nhằm đảm bảo nguồn cung các loại khoáng sản quan trọng. Mục tiêu là để giảm tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc từ 80% xuống còn 50% vào năm 2030. Đồng thời tăng tỷ trọng sử dụng các khoáng sản có thể tái chế từ mức 2% hiện nay lên 20%.
Hàn Quốc đã ký thỏa thuận đối tác với nhiều nước gồm Australia, Indonesia và Kazakhstan cũng như EU. Năm ngoái nước này gia nhập Đối tác an ninh khoáng sản, hiệp định đa phương do Mỹ dẫn dắt.
Trung Quốc chiếm miếng bánh lớn trên thị trường khai khoáng toàn cầu không chỉ vì sở hữu trữ lượng lớn mà còn bởi quá trình khai thác và xử lý là rất đắt đỏ, phức tạp và có nguy cơ gây ra thảm họa môi trường. Cần phải thực hiện hàng chục bước để biến quặng đất hiếm thành sản phẩm cuối cùng. Và cần rất nhiều quặng mới cho ra được 1 lượng nhỏ khoáng sản.
Nhiều thập kỷ trước, Trung Quốc lấy khai khoáng làm trọng tâm của các kế hoạch phát triển công nghiệp, đi kèm với đó là chính sách trợ cấp hậu hĩnh và các tiêu chuẩn môi trường rất lỏng lẻo. Chiến lược đầu tư từ mấy chục năm trước đã mang lại cho nước này lợi thế dài hạn mà các quốc gia khác khó lòng đuổi kịp.
Phần lớn khách hàng sẽ không quan tâm khi Trung Quốc sử dụng thế độc quyền để hạ giá và loại các đối thủ ra khỏi cuộc chơi. Tuy nhiên, đại dịch cùng với xung đột ở Ukraine đã khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn và các nước đều nhận ra khoáng sản có thể biến thành vũ khí như thế nào.
Đối với khoáng sản, tạo ra nguồn cung thay thế là việc vô cùng khó khăn. Do đó, sự hợp tác giữa các nước sẽ đóng vai trò quan trọng, theo giáo sư John Coyne, người đang công tác tại Viện chính sách chiến lược Australia. “Đối thoại Darwin” do viện của ông khởi xướng hướng đến mục tiêu đẩy mạnh sự phối hợp giữa Mỹ, Nhật Bản và Australia trong vấn đề đất hiếm.
Vậy thì chuỗi cung ứng những khoáng sản quan trọng sẽ thay đổi như thế nào? Theo Coyne, mục tiêu của các chiến lược hiện nay là chuỗi cung ứng sẽ trở nên đáng tin cậy hơn, bền vững hơn và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Mục tiêu này nghe qua thì rất đơn giản nhưng vẫn còn 1 chặng đường dài phải đi, bởi Trung Quốc hiện quá mạnh và rào cản gia nhập là rất lớn. Kể cả ông chủ của Raytheon, nhà sản xuất tên lửa hàng đầu thế giới, mới đây cũng phải thú nhận trên Financial Times rằng chấm dứt phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc gần như là “điều không thể”. “Chúng ta có thể giảm bớt rủi ro chứ không thể tách rời hoàn toàn”, ông nói.
Tham khảo The Economist