"Nằm trên" mỏ tài nguyên
Guyana nằm ở phía bắc của Nam Mỹ, là quốc gia ven biển kẹp giữa Venezuela và Suriname.
Nằm trong số quốc gia "nghèo nhất nhì" ở Nam Mỹ, Guyana chính thức liên kết với nền kinh tế dầu mỏ vào năm 2015, khi phát hiện ra các mỏ dầu khí ngoài khơi.
Vào ngày 20/12/2019, Tập đoàn dầu khí đa quốc gia ExxonMobil thông báo đã khai thác được thùng dầu thô thương mại đầu tiên từ mỏ dầu Liza và ngày này cũng được chỉ định là "Ngày Dầu mỏ Quốc gia" của Guyana.
ExxonMobil ước tính rằng chỉ riêng lô Stabroek đã có trữ lượng 11 tỷ thùng có thể khai thác. Trong khi đó, Oilprice dự đoán nhờ doanh thu sản xuất và xuất khẩu dầu, Guyana có khả năng trở thành quốc gia giàu có nhất ở Nam Mỹ trong tương lai.
Hiện tại, chính phủ Guyana tin rằng nước này có thể đạt được cột mốc sản xuất 1 triệu thùng/ngày vào năm 2027. Trong bốn năm qua, năng lực sản xuất dầu thô của Guyana đã tăng từ 0 lên 360.000 thùng/ngày.
Theo Ifeng (Trung Quốc), với dân số chỉ là 800.000 người, dựa trên năng lực sản xuất mục tiêu, Guyana sẽ trở thành quốc gia có "sản lượng dầu bình quân đầu người" lớn nhất thế giới trong vòng vài năm tới.
Sự trỗi dậy của Guyana cũng phản ánh một mô hình mới trong bản đồ dầu thô toàn cầu: Các quốc gia sản xuất dầu không thuộc OPEC+ sẽ chứng kiến mức tăng trưởng sản xuất nhanh hơn.
Theo báo cáo do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố hồi giữa tháng 6, các nước không phải thành viên OPEC dự kiến sẽ tăng công suất sản xuất thêm 5,1 triệu thùng/ngày trong 5 năm tới, trong đó tăng trưởng nhanh nhất là Mỹ, Brazil và Guyana.
Không có ý định tham gia OPEC
Ngày 26/6, tờ Wall Street Journal đưa tin Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Abdulaziz bin Salman và Tổng thư ký OPEC Haitham al-Ghais đã mời Guyana tham gia liên minh OPEC.
Tuy nhiên, cùng ngày, Phó Tổng thống Guyana Bharrat Jagdeo cho biết quốc gia sản xuất dầu mới nổi không quan tâm đến việc gia nhập OPEC. Ông Jagdeo xác nhận OPEC đã mời nước này tham gia hội thảo quốc tế tại châu Âu vào tháng 7.
"Chúng tôi không chính thức được mời tham gia OPEC. Đó không phải là điều chúng tôi quan tâm. Tuy nhiên, chúng tôi đã được mời tham gia các cuộc họp của OPEC" , ông Jagdeo nói với Reuters.
Nguyên nhân là bởi Guyana phải tối đa hóa sản xuất và lợi nhuận trong thời gian ngắn nhằm tránh tình trạng nhu cầu dầu thô giảm những năm tới.
"Ngay bây giờ, ý tưởng là tìm càng nhiều tài nguyên càng tốt. Chúng tôi không chắc có bao nhiêu thời gian" , ông Jagdeo nói Guyana cần bán tài nguyên để đầu tư vào một loạt cơ sở hạ tầng, bao gồm đường cao tốc mới, nhà máy chế biến thực phẩm và bệnh viện.
Việc gia nhập OPEC sẽ khiến Guyana đối mặt nguy cơ gián đoạn tiến trình này do phải thích ứng với những nỗ lực của Ả Rập Xê Út và các đồng minh nhằm cắt giảm sản lượng dầu trên toàn cầu.