Nhiều đại diện hiệp hội, doanh nghiệp khẳng định như vậy tại hội thảo góp ý dự thảo quyết định của Thủ tướng ban hành định mức chi phí tái chế do Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT) phối hợp với VCCI và Hiệp hội Tái chế chất thải VN tổ chức vào ngày 28-6.
Mức phí tái chế quá cao?
Là đơn vị trực tiếp tham gia thu gom rác thải nhựa và tái chế, đại diện Công ty Green Future cho biết tổng chi phí thu gom, vận chuyển, tái chế mà công ty đang thực hiện khoảng 10.600 đồng/kg. Nếu so với chi phí mà dự thảo (7.350 - 7.450 đồng/kg) đưa ra, chi phí đề xuất của nhóm chuyên gia tư vấn và nhóm hiệp hội tái chế đều thấp hơn so với thực tế công ty đang làm.
"Chi phí cho hỗ trợ tái chế nhựa cứng đang từ 10.250 - 11.750 đồng/kg, trong khi nhựa bao bì mềm đang đầy rẫy, chất thành các núi rác ở vùng ven đô nhưng chỉ được hỗ trợ khoảng 7.400 đồng/kg. Việc hỗ trợ tái chế như vậy chưa thỏa đáng", vị này nói và đề nghị chi phí thu gom tái chế rác thải nhựa mềm không thể thấp hơn nhựa cứng (như PET, HDPE, LDPE, PVC) vì nhựa mềm thải ra nhiều và đang gây ô nhiễm môi trường.
Cũng theo các đại biểu, cần tính toán lại quãng đường vận chuyển từ nơi thu gom đến nhà máy bởi quy định 20km là quá ngắn, trừ khi địa phương nào cũng có nhà máy tái chế. Ngoài ra, cần đưa túi ni lông vào danh mục rác thải nhựa được hỗ trợ.
"Nếu không quan tâm tới lĩnh vực nhựa mềm, VN vẫn trở thành những núi rác về nhựa mềm và không thể giải quyết được bài toán về nhựa mềm khi FS ra đời", một đại biểu nói.
Ông Hoàng Trung Dũng, tổng giám đốc Công ty CP Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP), cho biết mỗi năm VN có khoảng 600.000 tấn dầu nhớt được sử dụng. Trong quá trình sử dụng tiêu hao khoảng 10%, vậy còn 540.000 tấn thải bỏ đi đâu vẫn chưa có câu trả lời. Trong thực tế, VN chưa có nhà tái chế nào chuyên nghiệp và đúng theo yêu cầu tái chế dầu nhớt vì chi phí đầu tư rất lớn.
"Định mức phí tái chế FS trong dự thảo là 12.978 đồng/lít dầu nhớt, tôi thấy cực kỳ sốc. Nếu được áp dụng, các nhà máy sản xuất nhớt trong nước sẽ cộng vào chi phí sản xuất, giá bán sản phẩm tới người tiêu dùng sẽ tăng khủng khiếp, người tiêu dùng sẽ không chấp nhận" - ông Dũng chia sẻ và đề nghị trước mắt chỉ áp dụng ở mức 3.000 - 4.000 đồng/lít trong năm đầu tiên, rồi sau đó mới tăng dần.
Trong khi đó, theo bà Chu Thị Vân Anh, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), chi phí quản lý hành chính 3% chưa phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường. Bởi mức chi phí hành chính 3% trong dự thảo là một khoản tiền rất lớn.
"Khảo sát nội bộ với những doanh nghiệp đồ uống lớn VBA cho thấy khối lượng sản phẩm doanh nghiệp phải thực hiện tái chế khoảng 700 triệu kg/năm. Chi phí hành chính của riêng các thành viên hiệp hội phải trả khoảng 109 tỉ/năm", bà Vân Anh nói.
Áp FS bằng 0 với bao bì giấy, nhựa cứng, kim loại?
Cũng theo bà Vân Anh, định mức chi phí tái chế FS (công thức tính phí tái chế mà các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, tiêu thụ bao bì phải nộp nếu như không tự tái chế được) đang còn nhiều bất cập, nhất là các nghiên cứu tham vấn FS có kết quả khác nhau, độ tin cậy chưa cao và chưa phù hợp với thực tế ở VN.
Cụ thể, FS cho bao bì nhôm trong dự thảo là 6.180 đồng/kg, cao hơn gần năm lần so với trung bình các nước (1.250 đồng/kg), trong khi nhóm nghiên cứu của Trường đại học Kinh tế quốc dân chỉ là 600 đồng/kg. Hay như chi phí thu gom phân loại bao bì nhôm, nhóm chuyên gia tư vấn đưa ra con số là 1.500 đồng/kg, nhưng hiệp hội tái chế đề xuất 15.000 đồng/kg. Do đó, bà Vân Anh đề nghị ban soạn thảo tính toán thêm để có mức FS khoa học, phù hợp.
Cũng theo bà Vân Anh, FS đề xuất chưa theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn do chưa trừ đi giá trị vật liệu thu hồi được. Nhiều vật liệu có giá trị thu hồi cao như nhôm, bao bì giấy, chai nhựa cứng... trong thực tiễn đã được thu hồi hầu như hoàn toàn, không có nguy cơ với môi trường. Do vậy, việc yêu cầu nhà sản xuất đóng góp để hỗ trợ nhà tái chế là chưa hợp lý.
"Với những vật liệu giá trị thu hồi thấp, như túi ni lông, bao bì giấy hỗn hợp ít được tái chế, nguy cơ với môi trường cao mới cần nhà sản xuất đóng góp hỗ trợ nhà tái chế", bà Vân Anh nói.
Trong khi đó, ông Phan Tuấn Hùng, vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT), cho rằng các quốc gia sẽ có FS khác nhau do công nghệ, chi phí lao động, phân loại, thu gom... khác nhau. Tuy vậy, theo quy định của pháp luật, FS cần phải được tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý, hợp lệ bao gồm phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải và chi phí quản lý.
"Việc đề xuất FS cho các loại sản phẩm, bao bì cũng phải phù hợp với điều kiện của VN", ông Hùng nói.
Theo các chuyên gia, có thể áp FS bằng 0 cho các loại bao bì, sản phẩm có giá trị vật liệu thu hồi được cao hơn chi phí tái chế, bao gồm bao bì giấy, bao bì nhựa cứng, bao bì kim loại, vì các sản phẩm này về cơ bản đã được thu hồi hết, ít có nguy cơ tới môi trường.
"Với các vật liệu có giá trị thu hồi thấp như bao bì ni lông, bao bì giấy hỗn hợp... rất cần đóng góp để hỗ trợ nhà tái chế. Tuy nhiên, cần điều chỉnh FS phù hợp cho bao bì sử dụng vật liệu tái chế để khuyến khích tái chế", một chuyên gia đề xuất.
Cần tính toán lại định mức phí tái chế
Ông Đậu Anh Tuấn, phó tổng thư ký VCCI, khẳng định các doanh nghiệp luôn ủng hộ Chính phủ trong việc bảo vệ môi trường cũng như thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đồng thời cam kết thực hiện một cách tốt nhất trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. "Vấn đề là cần tính toán định mức chi phí tái chế FS sao cho hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam", ông Tuấn nói.
Theo bà Vân Anh, cần lộ trình, phương thức triển khai yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm trong việc thu gom, xử lý, tái chế sản phẩm cần phù hợp, giảm khó khăn cho doanh nghiệp. Trong hai năm đầu (2024 và 2025), tập trung vào hướng dẫn thi hành, chưa áp dụng hình thức xử phạt bởi khảo sát nhanh đối với ngành đồ uống trong tháng 4-2023 cho thấy 70% số doanh nghiệp cho biết gặp từ khá nhiều cho đến rất nhiều khó khăn với tỉ lệ tái chế bắt buộc hiện nay.
"Cũng cần cho phép các doanh nghiệp thực hiện kết hợp cả hình thức tự tái chế và đóng góp hỗ trợ tái chế cho một loại bao bì trong cùng năm thay vì bắt buộc chọn một trong hai hình thức" - bà Vân Anh kiến nghị.
Các hiệp hội doanh nghiệp cho rằng định mức chi phí tái chế (Fs) rất cao, chưa hợp lý và còn tính cả chi phí quản lý hành chính trong định mức, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Từ đó, lo nguy cơ tăng giá đối với nhiều sản phẩm, hàng hóa.