Đà Lạt sạt lở đất nghiêm trọng: hình ảnh mới nhất tìm kiếm nạn nhân kẹt trong đống đổ nát
Đến trưa 29-6, lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh Lâm Đồng vẫn nỗ lực đưa nạn nhân vụ sạt lở đất kinh hoàng tại đường Hoàng Hoa Thám (P.10, Đà Lạt) ra khỏi đống đổ nát.
2 phút kinh hoàng
Nạn nhân được xác định đã tử vong, do bị khối bê tông quá lớn cùng nhiều loại vật liệu khác đè lên.
2h30 ngày 29-6, tại đường Hoàng Hoa Thám xảy ra một vụ sạt lở sau trận mưa kéo dài khoảng 3 giờ đồng hồ. Hàng trăm tấn đất đá cùng bờ taluy bê tông ở đường Yên Thế (nằm cao hơn đường Hoàng Hoa Thám khoảng 20m) đổ ập xuống.
Khối đất đá khủng khiếp này đổ thẳng vào nhà dân và khu lán trại công nhân xây dựng đang ở, có khoảng 20 người.
Vụ sạt lở đã khiến 6 người mắc kẹt. Lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh Lâm Đồng đã tiếp cận hiện trường giải cứu nạn nhân. Sau khoảng 1 giờ, 4 nạn nhân đã được giải cứu từ đống đổ nát đưa đi cấp cứu.
Hai người được xác định đã thiệt mạng là hai vợ chồng, quê ở Phú Yên: anh Phạm Khánh (43 tuổi) và chị Nguyễn Thị Ngọc Vẹn (43 tuổi).
Sau 8 giờ làm việc liên tục, lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để mau chóng kết thúc công tác cứu hộ, đề phòng mưa tiếp tục.
Ông Nguyễn Ninh (55 tuổi, quê Phú Yên) là một trong số công nhân sống tại khu vực sạt lở cho biết mọi việc chỉ xảy ra trong tích tắc. Khi mô tả lại, ông vẫn không giấu được sự sợ hãi.
Ông nói: "Tôi nghe một âm thanh lớn, không biết là gì nhưng bất thường. Anh em đang ngủ say đều bật dậy bỏ chạy ra ngoài cầu cứu". Ông Ninh bảo mọi việc chỉ xảy ra trong vòng 2 phút. Chạy ra bên ngoài rồi, mọi người mới hay thiếu mất 6 người nên chạy đi báo công an.
Rà soát toàn bộ giấy phép xây dựng ở khu vực sạt lở
Ông Trần Văn Hiệp, chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đã đến hiện trường để nắm bắt tình hình và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ cũng như các công tác khắc phục hậu quả.
Ngay tại hiện trường, ông Hiệp đã yêu cầu đơn vị chức năng rà soát toàn bộ giấy phép xây dựng của các công trình ở khu vực xảy ra sạt trượt đất. Nếu có sai phạm để gây ra tai nạn thì sẽ xử lý nghiêm.
Tại cuộc họp trực tuyến toàn tỉnh sau đó, ông Hiệp yêu cầu rà soát lại toàn bộ các công trình xây dựng, các dự án công trình cầu đường ở những khu vực có nguy cơ sạt lở trên địa bàn tỉnh và khẩn cấp có biện pháp gia cố, xử lý kịp thời; công trình nào không đảm bảo an toàn thì tạm ngưng thi công.
Một công nhân đã bị khối đất lớn từ taluy cao 6m bên trong công trình mở rộng đèo Prenn đè chết.