Ngày 29/6, Bộ Khoa học và Công nghệ, Thành phố Hà Nội đồng tổ chức “Diễn đàn Công nghệ Năng lượng và Môi trường 2023” với mục tiêu khuyến nghị về nghiên cứu, chuyển giao và làm chủ công nghệ năng lượng và môi trường.
Trên cơ sở đó, tạo môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng và thúc đẩy trao đổi giữa Chính phủ và doanh nghiệp về các chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng và môi trường.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, diễn đàn hôm nay là cơ hội để các nhà quản lý, các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhà khoa học trao đổi về các thành quả trong việc triển khai các chủ trương, chính sách.
Từ đó xác định những khó khăn, thách thức trong việc phát triển ngành năng lượng và môi trường; đồng thời, tìm kiếm những cơ hội kinh doanh và mở rộng hợp tác đầu tư.
"Phát triển công nghệ năng lượng tiên tiến gắn liền với bảo vệ môi trường đang là xu thế tất yếu trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hướng tới xây dựng một nền kinh tế "xanh" và hiện đại”, Thứ trưởng Tùng nhấn mạnh.
Việc phát triển các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường, đặc biệt là các nguồn năng lượng tái tạo, song hành với các nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng trở nên quan trọng trong cơ cấu nguồn năng lượng.
Qua đó, góp phần từng bước giải quyết bài toán nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng của Việt Nam; giúp đa dạng hóa các nguồn năng lượng, phân tán rủi ro, tăng cường và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tại toạ đàm, ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đối với Hà Nội việc chuyển dịch năng lượng là ưu tiên hàng đầu vì liên quan đầu tiên đến cấp điện cho Thủ đô. Do đó, để bảo đảm việc cấp điện phải đưa ra một loạt tiêu chí, mục tiêu.
“Khi Trung ương có Nghị quyết 55 và liên quan đến các quy hoạch ngành, năng lượng, quy hoạch điện thì chúng tôi là cơ quan nhà nước cũng tham mưu cho Thành ủy, UBND Thành phố ban hành các kế hoạch, chương trình, đề án để triển khai ngay sau khi các chủ trương được ban hành” ông Thắng nói.
Cụ thể, về bảo đảm điện, Tp.Hà Nội sử dụng năng lượng chiếm hơn 10% toàn quốc. Ông Thắng cho rằng, việc phụ tải điện nhiều như thế thì điều đầu tiên cần đưa ra là cách sử dụng điện phải tiết kiệm, bảo đảm môi trường xanh, sạch. Tiếp đó là ứng dụng.
“Vừa qua, Hà Nội có cơ chế giá điện mặt trời, chúng tôi đã triển khai trên 2.000 công trình điện áp mái, vừa bảo đảm cấp điện vừa bảo đảm môi trường", ông Nguyễn Đình Thắng chia sẻ.
Đồng thời, Tp.Hà Nội cũng đang triển khai các dự án về điện rác như dự án điện rác Sóc Sơn, Dự án rác thải Seraphin và hiện đang quy hoạch để có 2 nhà máy điện rác nữa ở phía nam Thành phố, với mục tiêu xử lý hết lượng rác thải gần 8.000 tấn/ngày đêm cho toàn Hà Nội.
Bên cạnh đó, Tp.Hà Nội triển khai hàng loạt sự kiện, chương trình liên quan đến doanh nghiệp, người dân như chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, chương trình sử dụng năng lượng sạch hơn, chương trình hạn chế sử dụng túi nilon trong thương mại và tiêu dùng…
"Chúng tôi đã vận động các doanh nghiệp đi đầu trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp sang sản xuất sạch hơn; đang lấy ý kiến đối với kế hoạch về kinh tế tuần hoàn trên toàn địa bàn Thành phố; cùng đó có kế hoạch triển khai việc sản xuất gắn với bảo đảm môi trường xanh, sạch", Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh.