Chiều 28/6, nói lời cuối cùng trước khi HĐXX nghị án, cựu tư lệnh Cảnh sát biển Nguyễn Văn Sơn dành nhiều lời xin lỗi Đảng, nhân dân, đất nước, gia đình và đặc biệt và cán bộ chiến sĩ tại lực lượng Cảnh sát biển.
"Dù tòa chưa tuyên án, nhưng tòa án lương tâm tôi đã tuyên. Tôi không bao giờ tha thứ cho bản thân, chỉ vì một phút đánh mất mình đã đánh mất cả cuộc đời và liên lụy anh em đồng đội", ông Sơn nói đồng thời xin giảm án cho 6 bị cáo còn lại.
Trình bày với tòa, con gái ông Sơn xin giảm án cho bố để giảm đau thương cho gia đình. "Sau khi bố bị bắt, mẹ tôi mắc bệnh nặng, tinh thần suy sụp", cô nói.
Những bị cáo còn lại đều bày tỏ ân hận, thừa nhận đây là lỗi lầm "đầu tiên và duy nhất trong đời" sau hàng chục năm cống hiến, bảo vệ tổ quốc. Họ mong muốn được pháp luật khoan hồng để làm tròn nghĩa vụ cuối đời với cha mẹ, vợ con.
Trong phiên luận tội sáng nay, các bị cáo bị VKS Quân sự Bộ đội Biên phòng đề nghị 10 đến 16 năm 6 tháng tù, cùng về tội Tham ô tài sản. Trong đó, với vai trò chủ mưu khởi xướng, cựu Tư lệnh Sơn bị đề nghị án tù cao nhất.
9 luật sư đều cho rằng mức án VKS đề nghị quá nghiêm khắc. Luật sư của tướng Sơn đề nghị tòa cho thân chủ hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ là ra đầu thú.
Tuy nhiên, cơ quan công tố bác bỏ, cho rằng đầu thú là khi bị cáo khai nhận hành vi khi cơ quan điều tra chưa phát hiện tội phạm. Còn trường hợp ông Sơn, trước khi Ủy ban kiểm tra Trung ương làm việc với các bị cáo đã có đoàn thanh tra của Quân ủy Trung ương xuống làm việc tại Bộ tư lệnh Cảnh sát biển một thời gian dài "nhưng họ đều không khai ra". Sau khi Ủy ban kiểm tra Trung ương tiếp tục xuống xác minh, làm việc, ông Sơn mới làm bản tự kiểm điểm, do đó không được tính là đầu thú.
Trong vụ án, bốn tướng Hoàng Văn Đồng (cựu chính ủy), Doãn Bảo Quyết (cựu phó chính ủy), Phạm Kim Hậu (cựu phó tư lệnh, cựu tham mưu trưởng) và Bùi Trung Dũng (cựu phó tư lệnh) mỗi người được tướng Sơn chia cho 10 tỷ đồng trong số 50 tỷ đồng tham ô. VKS xác định họ đều có vai trò "đồng chủ mưu".
Luật sư của bốn bị cáo này cho rằng, trong tố tụng không có khái niệm này, "chỉ có đồng phạm giúp sức, hoặc chủ mưu". Luật sư khẳng định bốn người này chỉ có vai trò giúp sức tinh thần, không bàn bạc, khởi xướng, do đó cần xem xét lại.
Qua ba vòng đối đáp, VKS không thay đổi quan điểm, khẳng định khi ông Sơn khởi xướng việc tham ô, 5 người sau đó có trao đổi nhiều lần, không chỉ duy nhất một lần sau bữa cơm trưa, trong các lời khai đã nêu rõ. Các bị cáo với vai trò là thủ trưởng đứng đầu Bộ tư lệnh Cảnh sát biển nên họ được bàn bạc, đã tiếp nhận số tiền nên phải bị truy tố vai trò chủ mưu chung với ông Sơn.
Về việc luật sư cho rằng mức án đề nghị quá nghiêm khắc, đại diện VKS nói: "Mức án cao nhất của khung truy tố là chung thân, tử hình. VKS đã xem xét nhiều tình tiết giảm nhẹ, thậm chí hạ khung, thấp hơn mức thấp nhất của khung truy tố (20 năm).
'Bị truy tố tội Tham ô, tôi rất đau lòng'
Ông Bùi Văn Hòe (cựu thượng tá, cựu phó phòng Tài chính) là người duy nhất xin tòa xem xét lại tội danh. Ông cho rằng mình không đồng phạm, không phạm tội Tham ô tài sản mà chỉ vô ý trong chuyên môn dẫn đến sai phạm, không hề được bàn bạc chỉ đạo rút tiền chi tiêu trái pháp luật.
Trong vụ án, ông Hòe là người trực tiếp tham mưu phân bổ ngân sách mua sắm trang thiết bị sai quy định. Ông bị cáo buộc, biết rõ việc chia nhỏ nhiều gói thầu giá trị dưới 10 tỷ đồng để tránh báo cáo Bộ Quốc phòng, nắm được một số nội dung đấu thầu không đúng, nhưng không báo cáo xử lý mà vẫn thực hiện.
VKS đánh giá ông Hòe có quan hệ lệ thuộc cấp trên không được hưởng lợi, nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm, do giúp sức cho việc tham ô của cấp trên.
Tự bào chữa, ông Hòe cho hay quá trình công tác luôn làm việc không mệt mỏi, một mình từ 4h sáng đến tối, "ăn cơm xong lại làm đến đêm, rất nhiều việc". "Khi đó bị cáo mới nhận chức, cán bộ phòng thiếu, một mình đảm nhiệm vừa phó vừa trưởng. Tôi không được biết, không được bàn, mà lại quy cho tôi tội Tham ô tài sản tôi đau lòng lắm", ông Hòe nói.
Ông Hòe được VKS đánh giá có vai trò thấp nhất trong 7 người nhưng không được đề nghị mức án thấp nhất trong vụ án vì tính chất hành vi phạm tội nặng hơn. "Chính ông Hòe cũng đã xác nhận hôm qua, nếu ông ta thực hiện đúng quy trình chức trách nhiệm vụ trưởng phòng tài chính thì các bị cáo khác không thể phạm tội được", VKS nêu.
15h ngày mai, 29/6, tòa tuyên án.
Tháng 2/2019, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển dự toán ngân sách chi quản lý hành chính năm 2019, trong đó 150 tỷ đồng cho Cục Kỹ thuật mua sắm vật tư, thiết bị. Ông Sơn gặp ông Hưng, Cục trưởng Kỹ thuật yêu cầu "khi mua sắm phải rút ra 50 tỷ đồng để chuyển lại cho Bộ Tư lệnh sử dụng".
Ông Sơn chỉ đạo Phó phòng Tài chính Hòe cắt toàn bộ nguồn kinh phí bảo quản, sửa chữa trang bị của 4 Vùng Cảnh sát biển để phân bổ thêm 29 tỷ đồng cho Cục Kỹ thuật.
Đầu tháng 4/2019, ông Sơn trao đổi với tướng Đồng, Quyết, Hậu, Dũng về kế hoạch "rút ruột" 50 tỷ đồng để ăn chia. Tất cả đồng ý.
Ông Hưng theo chỉ đạo của tướng Sơn, yêu cầu 6 trưởng phòng thuộc Cục Kỹ thuật phải rút lại 50 tỷ đồng, phải xác định "đây là nhiệm vụ Thủ trưởng giao và phải hoàn thành".
Sau khi nhận 50 tỷ đồng từ ông Hưng, tướng Sơn chia cho mình và Đồng, Hậu, Quyết, Dũng mỗi người 10 tỷ đồng.
Ngày 19/6/2020, ông Hậu làm đơn kèm 2 file ghi âm phản ánh về tiêu cực, tham nhũng của bản thân và các đồng phạm.
Đoàn kiểm tra của Bộ Quốc phòng, Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương và Đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc xác minh.
Tháng 9/2021, 5 người tự nguyện nộp lại mỗi người 10 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án.
Thanh Lam
Xem thêm: lmth.9392264-naht-nab-ohc-uht-aht-oig-oab-gnohk-neib-tas-hnac-hnel-ut-uuc/ten.sserpxenv