Chiều 29-6, UBND TPHCM tổ chức phiên họp tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm. Ảnh: HÀ THƯ |
Thu ngân sách giảm
Thông tin về tình hình thu chi ngân sách, Giám đốc Sở Tài chính Lê Duy Minh cho biết, trong quý II, tất cả chỉ tiêu liên quan đến số thu ngân sách đều giảm sâu so với cùng kì, chỉ bằng 80-85% so với quý II-2022. Số thu giảm sâu tác động chung tới kết quả sáu tháng đầu năm, chỉ bằng 93% so với cùng kì.
Một điểm sáng là khối doanh nghiệp có số thu giữ mức ngang bằng với số thu năm ngoái; dù vậy, có hai khu vực giảm sâu. Lĩnh vực đầu tư nước ngoài trong sáu tháng qua lại sụt giảm về thu, chỉ đạt 93% so với cùng kì trong khi ba năm trước đó đều dẫn đầu.
Cạnh đó, nguồn thu từ giao dịch liên quan đến người dân trong giao dịch mua bán, hình thành tài sản đều giảm sâu; có những lĩnh vực chỉ thu 60% so với cùng kì. Đặc biệt là lệ phí trước bạ, trong mua bán nhà đất, chuyển nhượng, thu nhập cá nhân từ bất động sản trong dân… Thu nhập cá nhân đối với lĩnh vực này cũng chỉ còn 70% so với cùng kì; trong khi các năm trước nguồn thu này rất ổn định.
Giám đốc Sở Tài chính Lê Duy Minh thông tin về tình hình thu- chi ngân sách. Ảnh: HÀ THƯ |
Các tác động liên quan tới hoạt động xuất - nhập khẩu, kim ngạch xuất nhập khẩu đều giảm sâu.
Giải pháp để bù đắp các thiếu hụt hiện nay, theo Giám đốc Sở Tài chính đưa ra là phải khơi thông được bất động sản để tăng nguồn thu.
“Dù đây không phải là nguồn thu dài hạn nhưng trong ngắn hạn cũng đem lại nguồn thu cho các lĩnh vực khác phát triển như đất đai, xây dựng, kinh doanh…”- ông Minh nói.
Thứ hai, cần tiết kiệm chi để tạo nguồn lực thêm cho ngân sách TP. Sáu tháng đầu năm, chi ngân sách thành phố có tăng hơn do mạnh dạn áp dụng tối đa Nghị quyết 54. Ông Minh cho rằng, nếu chi ngân sách tốt cũng sẽ tạo ra thu nhập, thúc đẩy hành vi tiêu dùng tốt hơn.
TP cũng thực hiện tăng chi cho đầu tư công gấp hai lần so với cùng kì; nhưng cần thời gian để có các khoản thu lại.
Người đứng đầu Sở Tài chính nói thêm, nguồn lực đất đai của TP.HCM còn rất lớn nhưng chưa được khai thác hiệu quả do vướng chính sách chung về việc xử lý các cơ sở liên doanh liên kết, kể cả hạ tầng còn trống…
Hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng Nghị định cho phép TP sử dụng các mặt bằng nêu trên. Nhưng TP vẫn đang loay hoay, chỉ bố trí để giữ xe, mở căn-tin chứ chưa cho mở các hoạt động khác.
“Sở Tài chính sẽ cố gắng đeo bám, tham mưu cho UBND TP có văn bản gửi Bộ Tài chính về những vấn đề này. Hiện, Chủ tịch UBND TP đã yêu cầu phải có phương án sắp xếp lại cơ sở nhà đất. Chúng ta cũng đã mạnh dạn thu hồi các cơ sở nhà, đất không sử dụng để đấu giá”- ông Minh cho hay.
Trong điều hành ngân sách, Giám đốc Sở Tài chính cho biết tới cuối năm vẫn còn nhiều khoản phải chi cho tiêu dùng của ngân sách thành phố. Nghị quyết 98 vừa thông qua cũng có một số cơ chế để TP tự chủ hơn trong ngân sách. Đến khi Nghị quyết có hiệu lực vào ngày 1-8, Sở sẽ trình HĐND TP một số nội dung linh động hơn về ngân sách.
Đồng thời, tham mưu UBND TP bố trí ngay các nguồn lực phục vụ chính cho hoạt động phát triển của TP; giúp khối quận- huyện có thêm nguồn lực phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn.
Xây dựng đề án giữ chân đội ngũ cán bộ công chức
Góp ý kiến đến lãnh đạo TP, ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho biết bên cạnh việc thiếu vốn kinh doanh, các doanh nghiệp còn gặp khó do nhiều thủ tục hành chính chưa được cải thiện.
Cùng đó, sự thiếu rõ ràng của một số quy định của pháp luật và tâm lý ngán ngại, sợ sai của cơ quan quản lý và cán bộ công chức ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nổi bật là thực hiện thủ tục dự án đầu tư thời điểm này là hết sức khó về sự đùn đẩy và trình tự trước, sau. Việc hoàn thuế khó khăn vì để an toàn phòng thủ, ngành thuế rất cẩn trọng trong hoàn thuế, làm doanh nghiệp thiếu tiền tái đầu tư kinh doanh và trả lương cho người lao động.
Việc thẩm duyệt PCCC, đăng kiểm cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Ông Hưng đề nghị TP có tháo gỡ ngay những thủ tục liên quan kinh doanh và phục hồi kinh tế.
Giám đốc Sở Nội vụ TP Huỳnh Thanh Nhân thông tin về công việc của ngành nội vụ. Ảnh: HÀ THƯ |
Giám đốc Sở Nội vụ TP Huỳnh Thanh Nhân cho biết, ngành nội vụ đang xây dựng kế hoạch, tham mưu nội dung để UBND TP trình HĐND TP về cơ chế, chính sách tổ chức bộ máy của TP.HCM và Thủ Đức dựa trên các nội dung được quy định trong Nghị quyết 98, đảm bảo thực hiện trong năm 2023.
Riêng về việc thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị, UBND TP đã ban hành kế hoạch cụ thể. Hiện, Sở Nội vụ đang xây dựng đề án thí điểm chính sách khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Trong tháng 7, Sở sẽ tổ chức hai hội nghị lấy ý kiến, sau đó trình UBND TP.
Sở Nội vụ cũng sẽ trình đề án giữ chân cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Ngành Nội vụ cũng đang xây dựng các đề án trọng điểm như: đề án ngành công vụ ưu tú của TP.HCM, đề án chính quyền đô thị đặc trưng của TP… phấn đấu hoàn thành trong năm 2024.
Về cải cách hành chính, Sở Nội vụ đang xây dựng kế hoạch khắc phục chỉ số PAR-Index; phối hợp với Sở KH&ĐT về kế hoạch giải ngân đầu tư công…
Về các nhiệm vụ được giao để thực hiện Nghị quyết 98, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết sẽ đảm bảo đúng theo thời gian mà UBND TP đã triển khai.
Sáu tháng, giải ngân đầu tư công đạt 15%
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai đã thông tin về tình hình thực hiện đầu tư công, TP.HCM đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 là hơn 68.490 tỉ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương hơn 14.996 tỉ đồng và vốn ngân sách địa phương hơn 53.493 tỉ đồng.
Tính đến hết ngày 23-6, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 của TP.HCM đã giải ngân là 10.244 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 15% tổng số vốn giao.