Ngành công nghệ Trung Quốc đang có một mục tiêu lớn, đó là cạnh tranh với những gã khổng lồ của Mỹ như Google và Microsoft trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu.
Xuất phát chậm 3 năm liệu Trung Quốc có cơ hội “thắng” Mỹ?
Theo Bloomberg, nhiều tỷ phú, kỹ sư bậc trung và cựu nhân viên của các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc đang có cùng một tham vọng - đánh bại Mỹ trong lĩnh vực AI - công nghệ có thể định đoạt vị thế toàn cầu mới.
Trong số đó có ông trùm Wang Xiaochuan, người sáng lập công ty tìm kiếm Sogou - sau bán lại cho Tencent với giá 3,5 tỷ USD. Ông Xiaochuan đã gia nhập đường đua cạnh tranh ngay sau khi Chat GPT của OpenAI ra mắt tháng 11 năm ngoái và gây sốt toàn cầu.
Bên cạnh đó, nhiều nhà khoa học, lập trình viên hay các nhà tài chính Trung Quốc - bao gồm cả các nhân viên cũ của ByteDance, JD.com hay Google cũng dự kiến sẽ rót khoảng 15 tỷ USD vào lĩnh vực công nghệ AI trong năm nay.
Ông Xiaochuan đã “bước đi” rất nhanh trong cuộc chạy đua. Vào tháng 4/2023, ông thành lập một công ty mới có tên Baichuan (A Hundred Rivers) và huy động thành công 50 triệu USD vốn hạt giống. Ông đã liên hệ với các nhân viên cũ tại Sogou, nhiều người trong số họ đã bị thuyết phục và đầu quân cho công ty mới này.
Đến tháng 6, công ty của Xiaochuan cho ra mắt một mô hình ngôn ngữ lớn mã nguồn mở. Nó đang được các nhà nghiên cứu tại hai trường đại học hàng đầu Trung Quốc sử dụng.
“Tất cả chúng tôi đều nghe thấy tiếng còi khởi động cuộc đua. Các công ty công nghệ, dù lớn hay nhỏ, đều ở trên cùng một vạch xuất phát. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chậm hơn Mỹ 3 năm, nhưng chúng tôi có thể sẽ không cần đến 3 năm để bắt kịp họ”, ông chia sẻ.
Tài năng và nguồn tài chính dồi dào đổ vào AI của Trung Quốc đã phản ánh một trận chiến quyết liệt. Một số nhà phân tích và doanh nhân hàng đầu tin rằng AI sẽ là thứ “định hình” những “thủ lĩnh” công nghệ trong tương lai - giống như cuộc cách mạng Internet và smartphone đã tạo ra nhóm những gã khổng lồ công nghệ trên toàn cầu.
Trong cuộc đua chạy đuổi theo công nghệ Mỹ, Trung Quốc cũng gặp nhiều khó khăn. Được biết, các khoản đầu tư vào AI của Mỹ lớn hơn nhiều so với Trung Quốc. Theo dữ liệu của công ty tư vấn Preqin, quy mô các khoản đầu tư AI của xứ cờ hoa trong vòng 12 tháng tính đến tháng 6/2023 đã lên đến 26,6 tỷ USD, còn của Trung Quốc mới là 4 tỷ USD. Tuy nhiên, khoảng cách đó đang dần được thu hẹp.
Trung Quốc cũng hiểu rằng AI sẽ giống như chất bán dẫn - có khả năng đóng vai trò quan trọng để duy trì uy thế cũng như có thể huy động được nhiều nguồn lực quốc gia để phát triển hơn.
Theo Bloomberg, nước này đang khuyến khích việc nghiên cứu AI. Đối với các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc, AI là một “thử thách” nhưng cũng là “mỏ vàng” đáng để đầu tư. Không ai muốn bỏ lỡ “thời khắc iPhone” của thời đại ngày nay, CEO Nvidia so sánh.
Daniel Ives, nhà phân tích cấp cao tại Wedbush Securities nhận định: “Cuộc chạy đua AI đang diễn ra ở cả Mỹ và Trung Quốc. Và ngành công nghệ Trung Quốc đang hoạt động trong môi trường có nhiều sự thắt chặt hơn”.
Ngoài ra, Wedbush cũng ước tính AI sẽ tạo ra một thị trường trị giá 800 tỷ USD trong thập kỷ tiếp theo, và hiện tại thế giới mới chỉ ở trong giai đoạn đầu.
Quyết tâm bắt kịp OpenAI của các doanh nghiệp Trung Quốc được thể hiện rõ ràng qua việc các công ty như Baidu, SenseTime Group hay Alibaba đã cho ra mắt chatbot AI chỉ sau vài tháng.
Cuộc đua ngày càng trở nên “đông đúc”
Theo Bloomberg, một số tên tuổi hàng đầu ngành công nghệ Trung Quốc đã gia nhập cuộc chơi, bao gồm Wang Changhu, cựu Giám đốc AI Lab của ByteDance; Zhou Bowen, cựu Giám đốc bộ phận AI và điện toán đám mây của công ty thương mại điện tử JD.com; Wang Huiwen, nhà đồng sáng lập nền tảng mua sắm Meituan; và nhà đầu tư mạo hiểm Kai-fu Lee.
Zhang Yaqin, cựu Chủ tịch Baidu, nay là người đứng đầu Viện Nghiên cứu Công nghiệp AI của Đại học Thanh Hoa từng chia sẻ vào tháng 3 rằng các nhà đầu tư tìm đến ông gần như mỗi ngày trong tháng đó.
Wang Changhu, cựu trưởng nhóm nghiên cứu tại Microsoft Research trước khi gia nhập Bytedance vào năm 2017, cho biết hàng chục nhà đầu tư đã tiếp cận ông trên WeChat chỉ trong một ngày khi ông chuẩn bị thành lập công ty khởi nghiệp AI của mình.
Ông Changhu nói với Bloomberg rằng: “Ít nhất đây là cơ hội 10 năm có một để các startup tạo ra những công ty sánh ngang với những gã khổng lồ hiện nay”.
Nhiều công ty “non trẻ” Trung Quốc đang tìm cách hướng đến người dùng nội địa. Một số cũng phát triển ứng dụng tích hợp AI: từ chatbot giúp các nhà sản xuất theo dõi xu hướng tiêu dùng cho đến một công cụ thông minh để ghi chép và phân tích cuộc họp.
Tuy nhiên, cho đến nay, các bản demo của Trung Quốc vẫn chỉ ra rằng hầu hết doanh nghiệp nước này vẫn còn một chặng đường dài nữa mới thành công.
Grant Pan, Giám đốc Tài chính của Noah Holdings, tập đoàn đầu tư vào nhiều quỹ tại Trung Quốc, nhận xét: “Các nhà đầu tư đang chạy theo khái niệm AI. Tuy nhiên, việc ứng dụng thương mại và tác động tới chuỗi công nghiệp của các sản phẩm đó vẫn chưa thực sự rõ ràng”.
Ngoài ra, để “huấn luyện” các mô hình AI lớn, doanh nghiệp cần các chipset mạnh mẽ từ Nvidia và Advanced Micro Devices, nhưng Trung Quốc bị “hạn chế” để nhập chúng.
Vì vậy, để khắc phục, Lan Zhenzhong, người sáng lập công ty Westlake Xinchen đã sử dụng một phương pháp hỗn hợp tốn kém. Được biết, Westlake sử dụng gần 1.000 GPU để huấn luyện mô hình, sau đó triển khai các dịch vụ đám mây trong nước để suy luận hoặc duy trì chương trình.
Zhenzhong cho biết chi phí thuê chip A100 từ các dịch vụ đám mây này rất đắt đắt, vào khoảng 7 đến 8 NDT mỗi giờ, nhưng ông vẫn lựa chọn sử dụng.
“Tại sao mọi người không sẵn sàng đầu tư dài hạn và ước mơ lớn?. Bây giờ cuộc đua đã bắt đầu, tôi nghĩ Trung Quốc sẽ có thể bắt kịp”, Wayne Shiong, chuyên gia tại China Growth Capital nói.
Tham khảo Bloomberg