Xuất khẩu thủy sản bắt đầu có những tín hiệu tích cực trở lại. Theo VASEP, trong tháng 5 vừa qua, các thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều đạt doanh số cao nhất từ đầu năm tới nay. Tuy nhiên, sức cạnh tranh yếu của tôm - mặt hàng mang về kim ngạch lớn nhất trong xuất khẩu thủy sản, đang trở thành thách thức trong năm nay.
Nếu nhìn vào con số thống kê so với cùng kỳ năm trước, 5 tháng đầu 2022 tôm, xuất khẩu được 1,9 tỷ USD thì năm nay chỉ dừng lại ở 1,2 tỷ USD, giảm 34%.
Hai đối thủ chính trên thị trường của tôm Việt Nam hiện nay là Ecuador và Ấn Độ. So về giá, giá thành sản xuất của Việt Nam đang ở mức khoảng 5 USD/kg, gấp đôi so với Ecuardo (2,4 USD/kg). Về công nghệ, tỷ lệ thành công của tôm Việt Nam đạt dưới 40%, còn Ecuador là 90% và Ấn Độ là 70%.
"Các nước đều có chính sách về giảm thuế một số nguyên, phụ liệu, thức ăn nuôi tôm. Trước tình hình hiện nay, họ sản xuất với giá thành thấp, nếu ta không có giải pháp thì giá thành của sản xuất tôm không cạnh tranh được", ông Trương Đình Hòa, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam, cho biết.
Ngành tôm đang rất cần sự thay đổi để hướng đến lời giải: giảm giá thành, tăng năng suất và chất lượng. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Số liệu từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho thấy, tại thị trường này, tôm Ấn Độ đang chiếm đến 35%, Ecuador 22%, trong khi Việt Nam chỉ là 7%.
Không chỉ giảm thị phần tại Mỹ, tại Trung Quốc, tôm Việt Nam cũng giảm đến 40% về lượng. Trong khi Ecuador tăng 43%, Argentina tăng 200%.
Nguyên nhân chính được các doanh nghiệp lý giải là nằm ở chất lượng con giống và môi trường nuôi. Theo tính toán, các chi phí đầu vào có thể được tiết giảm đáng kể nếu có nguồn giống đạt chất lượng.
"Con giống tốt thì tỷ lệ đạt cao, sản lượng cao, lợi nhuận cao. Con giống khỏe thì thuốc men sử dụng cũng ít", ông Phạm Văn Mừng, Giám đốc HTX Thủy sản Toàn Thắng, Sóc Trăng, cho hay.
Nếu hơn 10 năm trước, tôm Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc và Thái Lan về sản lượng thì hiện tại Ecuador và Ấn Độ đã vượt qua Việt Nam. Điều này đang gây ảnh huởng trực tiếp đến thị trường xuất khẩu. Vì vậy, ngành tôm đang rất cần sự thay đổi để hướng đến lời giải: giảm giá thành, tăng năng suất và chất lượng.
VTV.vn - VASEP cho biết, thị trường thủy sản đang có những tín hiệu tốt dần lên. Trong đó, Mỹ trở lại vị trí thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.85040449003603202-cuht-hcaht-ueihn-uihc-mot-uahk-taux/et-hnik/nv.vtv