Học viên giáo dục nghề nghiệp tại TP.HCM - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Trong văn bản do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký, TP.HCM đề nghị điều chỉnh chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng.
Cụ thể, tại điều 4, quyết định số 46/2015/QĐ-TTg, mức hỗ trợ cho người thuộc hộ cận nghèo hiện tối đa 2,5 triệu đồng/khóa học.
Người thuộc hộ nghèo, thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi có công với cách mạng, người thuộc gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, lao động nữ bị mất việc làm… được hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng/khóa học.
UBND TP.HCM cho rằng mức hỗ trợ này được quy định từ năm 2015. Hiện nay, mức hỗ trợ đã không còn phù hợp với thực tiễn. Mức học phí thực tế tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang bình quân khoảng 5 triệu đồng/khóa học.
Trong khi đó, những đối tượng trên sẽ không có khả năng đóng phần học phí chênh lệch sau khi được ngân sách hỗ trợ, nên việc vận động người dân học nghề để có việc làm, cải thiện thu nhập, đời sống gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các đối tượng là lao động nông thôn, người có đất bị thu hồi.
UBND TP.HCM đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Chính phủ, Thủ tướng điều chỉnh tăng mức hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng lên 5 triệu đồng/khóa học cho các đối tượng tại điều 4 này.
Cần bổ sung đối tượng được cấp chứng nhận hoạt động giáo dục nghề nghiệp
Cũng theo văn bản kiến nghị, UBND TP.HCM đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Quốc hội điều chỉnh bổ sung đối tượng được cấp giấy chứng nhận hoạt động giáo dục nghề nghiệp tại điều 19 Luật giáo dục nghề nghiệp.
Nguyên do là trong quá trình rà soát các đối tượng được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, vẫn còn một số cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp không thuộc phạm vi, đối tượng áp dụng theo Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Chẳng hạn bao gồm các viện, trung tâm dịch vụ việc làm, trung tâm đào tạo, trung tâm hỗ trợ nông dân… không nằm trong đối tượng được liệt kê.
UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045.