Ngày 30-6, ông Lê Văn Phước - phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - đã chủ trì sơ kết 6 tháng đầu năm về công tác giải ngân đầu tư công năm 2023.
6 tháng qua, An Giang có tỉ lệ giải ngân 30,36%, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Có 6 chủ đầu tư có tỉ lệ giải ngân cao hơn bình quân chung của tỉnh, 31 chủ đầu tư có tỉ lệ giải ngân thấp. Trong số này, có 12 chủ đầu tư đến thời điểm báo cáo chưa có số liệu giải ngân.
Ông Trần Minh Đức - giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng khu vực đô thị tỉnh An Giang - cho biết cái khó lớn nhất là khâu giải phóng mặt bằng đối với 3 dự án lớn là sân vận động tỉnh An Giang, Trung tâm Huấn luyện thể dục thể thao và hạ tầng công nghệ thông tin.
Đơn vị đã phối hợp với TP Long Xuyên rất chặt chẽ nhưng đang vướng quyết định 22 của UBND tỉnh về việc bồi thường cây trồng, vật nuôi có hiệu lực từ ngày 15-6.
"Thay vì mọi lần, hội đồng bồi thường chỉ đo cây trồng về chiều cao, kích thước rồi áp giá bồi thường, nhưng quyết định mới phải có "bác sĩ cây trồng" xác định xem là cây gì, đang ở giai đoạn nào, rồi tham mưu UBND tỉnh ký và phải chịu trách nhiệm. Thật sự phát sinh thủ tục rất nhiêu khê so với quy định ban đầu", ông Đức nói.
Ông Lê Văn Phước ghi nhận sự nỗ lực của các chủ đầu tư và các địa phương. Biểu dương 6 chủ đầu tư có giải ngân đầu tư cao hơn so với mặt bằng của tỉnh. Từ nay đến cuối năm các đơn vị, địa phương phải nỗ lực giải ngân nhanh, nơi nào vướng mắc phải báo cáo, tháo gỡ kịp thời.
"Tại sao 2 năm rồi mà giải ngân đầu tư công trong Ban dân tộc chỉ có 4%? Còn trong ngành nông nghiệp tôi thấy có đơn vị 2 năm mà không giải ngân xong 60 tỉ đồng. Ngành nông nghiệp có biết không mà không báo cáo đề xuất phương án nào để đẩy nhanh giải ngân? Còn quyết định 22 về bồi thường cây trồng nếu bất cập phải bàn bạc các ngành để tạm dừng thực hiện", ông Phước nói.
Ngày 15-4, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, tổ trưởng tổ công tác số 3 của Thủ tướng, chủ trì hội nghị trực tuyến về giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 với 9 tỉnh trung du, miền núi phía Bắc.