Sáng 30-6, Cục Thống kê TP Đà Nẵng tổ chức công bố số liệu tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023.
Cục Thống kê TP Đà Nẵng công bố số liệu tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh: TẤN VIỆT |
Gần 1 triệu lượt khách quốc tế
Cục Thống kê TP Đà Nẵng cho hay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt gần 60.000 tỉ đồng. Tổng số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 3,5 triệu lượt, tăng 116,6%. Trong đó, khách quốc tế đạt 930.000 lượt, cao gấp 11,3 lần cùng kỳ. Khách trong nước đạt gần 2,6 triệu lượt, tăng 67,7%.
Cục Thống kê TP Đà Nẵng đánh giá, kinh tế TP giữ được nhịp độ tăng trưởng trong quý I-2023 với mức tăng sơ bộ 7,81%, xếp thứ 15/63 tỉnh/TP về tốc độ tăng.
Tuy nhiên, bước sang quý II, trên nền kết quả tăng cao của cùng kỳ năm 2021-2022, một số lĩnh vực kinh tế có xu hướng sụt giảm mạnh, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của 6 tháng đầu năm 2023.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý II ước tăng 0,21%. Tính chung 6 tháng, GRDP ước tăng 3,74% so với cùng kỳ 2022. Mặc dù vậy, so với 6 tháng đầu năm 2019, GRDP 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng 13,48%.
Xét về tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng qua, Đà Nẵng xếp thứ 3/5 TP trực thuộc Trung ương, thứ 6/8 tỉnh/TP thuộc vùng Duyên hải miền Trung và xếp vị trí 46/63 địa phương trên cả nước.
Xét về quy mô GRDP, Đà Nẵng xếp thứ 17 cả nước, đứng đầu các tỉnh/TP thuộc vùng Duyên hải miền Trung và tăng một bậc so với cùng kỳ năm 2022 và tiếp tục duy trì vị trí thứ tư trong khối năm TP trực thuộc Trung ương.
Đà Nẵng đón hơn 3,5 triệu lượt khách lưu trú trong 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh: SG |
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Đà Nẵng sơ bộ đến ngày 20-6 đạt gần 10.000 tỉ đồng, giảm 25,3%.
Ở chiều ngược lại, tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn Đà Nẵng đạt hơn 13.000 tỉ đồng, tăng 7,5%.
Phấn đấu GRDP cả năm tăng 7%
Theo ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê TP Đà Nẵng, mức tăng GRDP 3,74% trong 6 tháng đầu năm không phải là mức cao, nhưng là kết quả tích cực, đáng ghi nhận khi tăng trưởng tại nhiều địa phương có quy mô lớn như: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh...ở mức thấp.
Ông Vũ cho hay, bên cạnh những mặt tích cực, kinh tế - xã hội của Đà Nẵng vẫn còn một số hạn chế, khó khăn. Cụ thể như: chỉ số sản xuất công nghiệp giảm, thị trường xuất khẩu không thuận lợi hay hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
“Sự sụt giảm trong cầu hàng hoá, dịch vụ cả trong và ngoài nước. Thị trường bất động sản bộc lộ nhiều hạn chế. Một số dự án lớn phải tạm ngừng thi công do vướng thủ tục, pháp lý dẫn đến tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội không đạt như kỳ vọng”, ông Vũ nói.
Ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê TP Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT |
Từ nay đến cuối năm 2023 với mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm 7%, ông Vũ đề nghị các ngành theo dõi sát và cập nhật kịp thời diễn biến tình hình thế giới, chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của các doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng.
Theo ông Vũ, Đà Nẵng cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, chịu ảnh hưởng của giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời phải hỗ trợ kịp thời một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: Da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ, chế biến thủy sản, sản phẩm nhựa, điện tử và linh kiện điện tử...