Hàng trăm nhà đầu tư điêu đứng vì món hời ImpactTV
Văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra, bộ Công an (C01) vừa tiếp nhận tố giác tội phạm của hàng chục nhà đầu tư tại Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Hà Nam, Hải Phòng về việc tố cáo ông Nguyễn Hải Hà, là đại diện theo pháp luật của công ty TNHH Một thế giới lành mạnh - OHW và công ty TNHH Lý tưởng Thuận lợi 3 chìa khóa - 3KPI), đã có hành vi chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của các nhà đầu tư thông qua việc huy động góp vốn đầu tư vào 02 công ty nêu trên; nhưng sau đó, dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt. Đề nghị các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Xét thấy, đơn tố giác tội phạm của các hơn 30 nhà đầu tư gửi tới cơ quan công an thuộc thẩm quyền giải quyết của cục Cảnh sát hình sự bộ Công an. Căn cứ Điều 36, Điều 145 và Điều 146 Bộ luật tố tụng hình sự, cơ quan CSĐT bộ Công an chuyển đơn của những người tố giác đến đồng chí Cục trưởng cục Cảnh sát hình sự bộ Công an để chỉ đạo, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trước đó, đồng loạt nhà đầu tư đã gửi đơn tố giác tội phạm tới cơ quan công an đề nghị làm rõ sự minh bạch trong công tác quản lý vốn, sản xuất, phân phối sản phẩm, sản xuất phần mềm và máy ImpactTV của ông Nguyễn Hải Hà, giám đốc công ty TNHH Lý tưởng thuận lợi 3 chìa khoá (gọi tắt 3KPI) và công ty TNHH Một thế giới lành mạnh (gọi tắt OHW).
Trong số này, nhà đầu tư Trần Minh Thúy (SN 1972, ở quận 7, TP.Hồ Chí Minh) trình bày: Qua người quen giới thiệu, bà Thúy biết ông Hà là giám đốc của 2 công ty 3KPI và OHW.
Được biết, hai công ty 3KPI và OHW có dự án chuyển đổi công nghệ 4.0 trong ngành bán lẻ, mua bán phần mềm, máy ImpactTV để lắp đặt trong các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh thuốc tây hoặc các cửa hàng kinh doanh khác để quảng cáo hàng hóa, dịch vụ và huy động vốn từ các nhà đầu tư.
Theo lời trình bày của các nhà đầu tư thì ông Nguyễn Hải Hà giới thiệu đây là dự án nhận được 95% tiền đầu tư từ Nhật Bản từ 130 đến 450 tỷ USD trong 15 năm và sẽ giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng vượt trội và các nhà đầu tư sẽ được hưởng nhiều lợi ích như được tặng bảo hiểm nhân thọ 10 năm, được hưởng lợi tức hàng quý tới 50 năm.
Chưa hết, sau 4 năm, số tiền đầu tư sẽ tăng 700 lần và sau 10 năm tăng 21.000 lần; đầu tư máy ImpactTV thì được trả tiền thuê hàng tháng, được mua cổ phần công ty với giá ưu đãi.
“Vì tin tưởng vào mô hình hoạt động và sự thành công của dự án trong tương lai và được hưởng nhiều lợi nhuận như ông Hà đưa ra, tôi đã huy động tài chính của gia đình để đầu tư cho 2 công ty trên. Đồng thời, tôi đã mời được khoảng 50 nhà đầu tư khác tham gia với tổng số tiền đầu tư lên đến 12 tỷ đồng; trong đó, cá nhân tôi đầu tư vào 2 công ty này với số tiền khoảng hơn 7,5 tỷ đồng”, bà Thúy trình bày.
Để đáp lại sự tin tưởng và ủng hộ của bà Thúy, trong thư tri ân của công ty OHW do ông Nguyễn Hải Hà làm giám đốc đã đề xuất: “1…Dự kiến tháng 10/2024, tôi (ông Hà) sẽ chuyển nhượng 0,05% cổ phần của công ty tại thời điểm cổ phần hóa cho Bà (bà Thúy) với giá Gô-ên, tức là 1.000 (một ngàn) đồng hoặc 5JPY (5 Yên Nhật). 2. Từ tháng 8/2020, công ty chúng tôi xin được mua bảo hiểm nhân thọ do bà đứng tên hợp đồng, chi phí do công ty tri trả với mức đóng bảo hiểm là 600 triệu đồng/1 năm. Bà có quyền chỉ định công ty bảo hiểm, cũng như gói bảo hiểm phù hợp,…”.
Tương tự, ông Lương Tú Liên (SN 1968, ở Quận 7, TP.Hồ Chí Minh) đầu tư 2,5 tỷ đồng vào 2 công ty 3KPI và OHW do ông Hà làm Giám đốc. Trong thư tri ân, ông Liên cũng được hứa hẹn chuyển nhượng cổ phần của công ty với giá ưu đãi; được công ty mua bảo hiểm nhân thọ với mức đóng 24 triệu đồng/năm.
Nhà đầu tư Lại Phương Lâm (SN 1956, ở Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) đã huy động tài chính của gia đình để đầu tư cho 2 công ty trên; đồng thời mời thêm được 4 nhà đầu tư khác tham gia với tổng số tiền khoảng 800 triệu đồng, trong đó, cá nhân bà Lâm đầu tư 444 triệu đồng.
Hay nhà đầu tư Đinh Thị Thanh (SN 1974, ở phường Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội) mời được 7 người khác tham gia với tổng số tiền đầu tư lên đến hơn 4 tỷ đồng; bản thân bà Thanh đầu tư khoảng hơn 1,2 tỷ đồng….
Không dừng lại ở vai trò nhà đầu tư, như trường hợp bà Trần Minh Thuý còn được bổ nhiệm vào vị trí Phó giám đốc kinh doanh; hay bà Nguyễn Thị Bích Hằng là Phó giám đốc Tài chính - Hành chính; bà Phạm Khánh Hằng là Kế toán trưởng.
Tuy nhiên, theo lời bà Thuý, đây chỉ là các chức danh do ông Hà tự phong, bởi lao động trong công ty chưa một ai được kí hợp đồng lao động.
Điều đáng nói, hầu hết các nhà đầu tư đều không biết, hay nói cách khác là không quan tâm đến việc công ty có triển khai lắp máy hay không, lắp ở đâu, loại máy gì; bởi đơn giản, họ chỉ cần bỏ tiền ra mua máy trên giấy tờ là sẽ nhận được lợi nhuận. Đầu tư càng nhiều, lợi nhuận càng cao.
Số tiền “rót” vào công ty rất nhiều nhưng các nhà đầu tư không được trả lợi tức như những gì ông Hà hứa hẹn trước đó chứ chưa nói đến những giá trị ưu đãi như cam kết trong thư tri ân.
Và còn rất, rất nhiều những trường hợp tương tự cũng như đang ngồi trên đống lửa vì khó có thể lấy lại tiền mồ hôi nước mắt đầu tư vào 2 công ty trên. Hiện những người này cũng đã có đơn tố giác gửi cơ quan chức năng để vào cuộc điều tra. Trong đó có nội dung đề nghị cơ quan chức năng xác minh làm rõ số tiền hơn 91,8 tỷ đồng của khoảng 1000 nhà đầu tư trên địa bàn cả nước đã được ông Hà rút từ tài khoản công ty vào tài khoản cá nhân để sử dụng vào mục đích cá nhân không minh bạch.
Dùng tiền của nhà đầu tư để vận hành công ty?!
PV Người Đưa Tin Pháp luật cũng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hải Hà, Giám đốc công ty TNHH Một thế giới lành mạnh - OHW và Công ty TNHH Lý tưởng Thuận lợi 3 chìa khóa - 3KPI.
Theo đó, ông Hà thừa nhận có khoảng 1000 người đầu tư vào 2 công ty OHW và 3KPI với tổng số tiền đầu tư trên dưới 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Hà đã rút toàn bộ số tiền này từ tài khoản công ty về tài khoản cá nhân. Theo ông Hà thì đây là công ty TNHH 1 thành viên nên ông có quyền rút về tài khoản của mình và hiện bút toán của kế toán công ty ghi nhận ông Hà đang vay nợ công ty khoản tiền này.
Trước câu hỏi của PV, nhiều nhà đầu tư ký hợp đồng với công ty mua máy ImpactTV, vậy họ đã được nhìn thấy loại máy này, tính năng sử dụng cũng như cách vận hành, lắp đặt nó ra sao? Ông Hà trả lời: “Máy ImpactTV là máy chạy quảng cáo hoạt động rất tốt tại Nhật Bản, tuy nhiên khi mang sang Việt Nam ở thời điểm hiện tại thì chưa phù hợp. Bên mình còn xem thời điểm nào nên nhập máy về, vì nếu nhập máy về mà không chạy quảng cáo ra tiền thì thành đống sắt. Có nhà đầu tư đã nhìn thấy máy, nhưng nhìn trên hình ảnh”.
Vậy có việc mua, nhập máy ImpactTV hay không? – Ông Hà trả lời: “Bảo mua máy chưa thì chưa mua”. Sau lại nói mua một ít thôi và đang thử thị trường ở quận Bình Thạnh.
Thay vì nhập máy ImpactTV về theo hợp đồng kinh doanh ký kết với nhà đầu tư, ông Hà cho hay: “Thay vào việc đấy, bên mình làm cách khác, chính là xây dựng thương hiệu. Nhu cầu của thị trường không có nên phải chuyển đổi hướng đi; miễn là làm sao ra được lợi nhuận để chi trả cho nhau; Tuy nhiên không được dùng tiền của người sau trả cho người trước”.
Tiếp tục một câu hỏi khác liên quan tới việc nhà đầu tư có được nhận lợi tức theo cam kết trong hợp đồng, bởi hiện nay có rất nhiều nhà đâu tư gửi đơn kêu cứu, cho rằng chưa nhận được một đồng lợi nhuận nào. Ông Hà trả lời nhanh chóng: “Cái này chính xác”.
Ông Hà giải thích cho việc này như sau: “Một số nhà đầu tư chưa được nhận lợi tức vì trên nguyên tắc kinh doanh, khi mang tiền đầu tư mua máy móc hay làm gì thì phải quay về dòng tiền thì mới trả được”.
Sau cùng, về số tiền gần 100 tỷ đồng ông Hà rút từ tài khoản công ty về tài khoản cá nhân, ông Hà cho hay sử dụng tiền này để đầu tư vào con người, cụ thể là: Đào tạo, huấn luyện nhân lực trong công ty, đi mua sách, mua các khóa đào tạo cho nhân viên training, trả lương cho mọi người, đi mua sản phẩm lành mạnh… Và bất ngờ hơn, sau gần 2 năm dùng tiền đầu tư của các cá nhân vận hành công ty, đến nay trong tài khoản ông Hà hiện còn 36.000 đồng.
Bản thân ông Hà cho rằng công ty mình là một doanh nghiệp bình thường, đang vận hành tốt; ông cũng mong cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, bản thân ông sẵn sàng thanh lý hợp đồng với các nhà đầu tư. “Tiền lấy đâu để thanh lý thì đó là việc của tôi, đừng lo tôi không trả được; Tôi nói rõ ràng là tôi sẽ trả”, ông Hà quả quyết.
Chuyên gia pháp lý lên tiếng
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Hoàng Văn Doãn (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc xác minh xem tính pháp lý của 2 công ty là công ty TNHH Lý tưởng thuận lợi 3 chìa khoá và công ty TNHH Một thế giới lành mạnh do ông Nguyễn Hải Hà làm giám đốc. Cũng như cần làm rõ nguồn gốc các mặt hàng, trong đó có máy impactTV hiện đang được công ty triển khai lắp đặt và đưa vào vận hành tại các địa điểm thuộc TPHCM.
Trong trường hợp, ông Hà đưa thông tin chỉ nhằm mục đích huy động vốn của các nhà đầu tư, đưa ra thông tin không đúng về dự án cũng như dòng tiền Nhật không có thật, việc triển khai dự án chỉ là vỏ bọc, hình thức, gian dối để tiếp tục huy động vốn của người sau, trả cho người trước thì hành vi của ông Hà dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại khoản 4, Điều 174, Bộ Luật Hình sự.
Luật sư Doãn nói: “Nếu mọi hoạt động, quản lý, sử dụng nguồn vốn của ông Hà tuân thủ đúng pháp luật, minh bạch, hẳn nhiên sẽ đem lại niềm tin cho các nhà đầu tư. Ngược lại, việc sử dụng tiền của nhà đầu vào túi riêng, sử dụng không đúng mục đích như cam kết trong hợp đồng chắc chắn sẽ mang lại tâm lý hoài nghi cho chính các nhà đầu tư. Do vậy, việc họ yêu cầu ông Hà phải minh bạch thu, chi, đảm bảo trả các khoản lợi tức như cam kết cũng là điều dễ hiểu. Trong trường hợp thấy quyền lợi không được đảm bảo, hoặc thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật, những nhà đầu tư có quyền làm đơn lên cơ quan công an như điều tra, xử lý theo quy định pháp luật”.
Cùng trao đổi về nội dung này, luật sư Hà Trọng Đại (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, với thông tin các nhà đầu tư cung cấp, rõ ràng hành vi của ông Nguyễn Hải Hà có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việc này, không chỉ cơ quan điều tra nhanh chóng vào cuộc, mà cần nhiều cơ quan khác xác minh tình trạng hoạt động đối với 2 công ty trên.
PV tiếp tục cập nhật thông tin vụ việc tới bạn đọc.