Sử dụng màu sắc để phân loại mức độ nguy cơ trong phòng chống dịch Covid-19
TH
(KTSG Online) - Ngày 31-5, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ban hành Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG về quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng chống dịch Covid-19. Bộ Y tế sẽ tạo điều kiện tối đa cho tất cả các địa phương và đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình nhập khẩu, cấp phép nhập khẩu, kiểm định vaccine.
Trung tâm TPHCM vắng vẻ trong buổi sáng 31-5, ngày đầu tiên áp dụng giãn cách xã hội. Ảnh: Lê Vũ |
Địa phương tự đánh giá nguy cơ để áp dụng biện pháp chống dịch tương ứng
Điểm mới của quy định này là dùng màu sắc để xác định mức độ nguy cơ ban đầu, được thể hiện tới cấp xã trên bản đồ chống dịch. Quy định này nhằm cụ thể hóa và chi tiết hơn Chỉ thị 15, 16 và 19 của Thủ tướng Chính phủ. Đáng chú ý, quy định chỉ ra các yếu tố dịch tễ cơ bản để xác định mức độ nguy cơ ban đầu, được thể hiện tới cấp xã trên bản đồ chống dịch tương ứng các màu sắc gồm: nguy cơ rất cao (màu đỏ), nguy cơ cao (màu cam), nguy cơ (màu vàng) và mức độ bình thường mới (màu xanh).
Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế hướng dẫn áp dụng các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, phù hợp với từng mức độ cụ thể nêu trên.
Bốn mức độ nguy cơ tương ứng các màu sắc Nguy cơ rất cao (màu đỏ); Nguy cơ cao (màu cam); Nguy cơ (màu vàng); Bình thường mới (màu xanh). Quy định này giao quyền cho các cấp chính quyền địa phương căn cứ mức độ đánh giá nguy cơ để chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tương ứng theo thẩm quyền. |
"Kế thừa những kinh nghiệm và bài học được đúc kết qua thực tiễn chống dịch trong 3 đợt dịch vừa qua, đặc biệt là đợt dịch thứ 4 đang diễn ra, Quy định này đặt ra một số điểm mới so với trước đây, như: vấn đề cách ly vùng y tế (phong toả); áp dụng tiết chế cách ly tập trung cho một số khu vực đông người không có khả năng kiểm soát dịch bệnh hay khả năng cách ly tập trung…", Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương có quyền bổ sung, áp dụng những biện pháp cần thiết ở mức độ cao hơn phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương và đặc điểm tình hình dịch trên địa bàn.
UBND các cấp chịu trách nhiệm thực hiện đánh giá nguy cơ cũng như triển khai các biện pháp giãn cách xã hội theo từng mức độ đánh giá.
Trong trường hợp giãn cách trên địa bàn toàn tỉnh, UBND tỉnh, thành phố cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo phối hợp với các tỉnh, thành phố lân cận để đảm bảo lưu thông hàng hoá.
Quy định này cũng đưa ra những biện pháp hành chính để giảm thiểu tác động tới kinh tế xã hội nhưng phải phòng chống dịch một cách hiệu quả, trên tinh thần đặt sức khoẻ, tính mạng người dân lên trên hết và thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế xã hội.
Quy định này sẽ tiếp tục được bổ sung, cập nhật, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn của các đơn vị, địa phương nhằm tạo ra một mô hình phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả.
Bộ Y tế tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, địa phương tự nhập vaccine Covid-19
Chiều 31-5, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế sẽ tạo điều kiện tối đa cho tất cả các địa phương và đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình nhập khẩu, cấp phép nhập khẩu, kiểm định vaccine. Kể cả trong trường hợp nhà sản xuất yêu cầu về trách nhiệm miễn trừ thì Bộ Y tế sẽ có trách nhiệm báo cáo với Chính phủ và Bộ Y tế sẽ là cơ quan của Chính phủ thực hiện.
"Trong trường hợp doanh nghiệp không có điều kiện tiêm chủng thì Bộ Y tế sẽ chỉ đạo hệ thống tiêm chủng của nhà nước thực hiện tiêm chủng vaccine này" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Bộ Y tế đã xem xét và rà soát lại tất cả các quy trình, thủ tục trong vấn đề về cấp phép và đánh giá kiểm định chất lượng. "Đối với các loại vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép thì trong vòng 5 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ và ủy quyền của nhà sản xuất, Hội đồng cấp phép về vaccine và sinh phẩm của Bộ Y tế sẽ tiến hành họp, thẩm định và cấp phép cho vaccine đó" - Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin.
Đồng thời khi vaccine được nhập khẩu vào Việt Nam, trong vòng 2 ngày, nếu có đầy đủ hồ sơ hợp lệ về nhập khẩu vaccine vào Việt Nam và ủy quyền của nhà sản xuất thì Hội đồng cấp phép về vaccine và sinh phẩm của Bộ Y tế sẽ tiến hành họp, thẩm định, rà soát lại toàn bộ hồ sơ và cho phép tiến hành xuất xưởng lô vaccine đó để có thể sử dụng theo quy định của WHO.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết nhấn manh: "Bộ Y tế sẽ cắt giảm tối đa thời gian xử lý thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo chất lượng vaccine, đảm bảo an toàn vaccine và chống việc giả mạo vaccine. Những nội dung này đã được Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã sẵn sàng thực hiện những việc này".
Bộ Y tế lưu ý cũng lưu ý, hiện nay có tình trạng nhiều bên đứng ra làm đại diện môi giới vaccine. Do vậy các địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp nên làm việc trực tiếp với nhà sản xuất vaccine, hoặc đơn vị được nhà sản xuất ủy quyền, không nên qua bên thứ 3, để tránh nguy cơ mua phải vaccine giả mạo hoặc bị lừa đảo, như tổ chức Interpol đã cảnh báo. |
Theo Bộ Y tế