vĐồng tin tức tài chính 365

Đề xuất hỗ trợ tiền cho các trường hợp F1, F2

2021-06-01 06:39

Bộ LĐ-TB&XH vừa cho biết từ đầu năm 2021 đến nay, Việt Nam có hai đợt bùng phát dịch COVID-19, trong đó đợt 2 nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, tấn công trực tiếp vào các khu công nghiệp, nơi tập trung lượng lớn lao động. Vì vậy, bộ đang đề xuất xem xét chính sách hỗ trợ đối với người lao động (NLĐ) bị cách ly y tế để phòng dịch.

Hỗ trợ NLĐ theo chế độ ốm đau

Bộ LĐ-TB&XH cho rằng quy định tại khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động, NLĐ ngừng việc do dịch bệnh nguy hiểm được người sử dụng lao động trả lương ngừng việc. Mức lương ngừng việc theo thỏa thuận giữa NLĐ và người sử dụng lao động nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu trong 14 ngày nghỉ việc đầu tiên. Tuy nhiên, trên thực tế thì thời gian cách ly y tế có thể kéo dài trên 14 ngày theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến về đề xuất hỗ trợ NLĐ bị cách ly 21 ngày. Mức hưởng theo quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật BHXH.

Cụ thể, NLĐ được hưởng chế độ ốm đau bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Ví dụ, tiền lương bình quân tháng đóng BHXH năm 2020 là 5,6 triệu đồng/tháng, mức hưởng chế độ ốm đau trong trường hợp này là 175.000 đồng/ngày.

Đề xuất hỗ trợ tiền cho các trường hợp F1, F2 - ảnh 1
Công nhân khu vực cách ly nhận hàng cứu trợ từ tổ chức công đoàn.
Ảnh: V.LONG

Tuy nhiên, đối tượng được hưởng chế độ này phải thỏa mãn hai điều kiện. Thứ nhất, tại thời điểm áp dụng chính sách, địa phương phải có số ca dương tính với COVID-19 bằng 0,1% dân số trở lên.

“Ví dụ, hiện nay dân số tỉnh Bắc Giang là 1,8 triệu người. Khi nào số ca dương tính lên tới 1.800 người thì được áp dụng chính sách này. Thời điểm áp dụng là 30 ngày kể từ ngày UBND tỉnh có văn bản đề nghị gửi Bộ LĐ-TB&XH. Tương tự, Bắc Ninh hiện nay dân số khoảng 1,45 triệu người, khi nào số ca dương tính lên tới 1.450 thì được áp dụng...” - Bộ LĐ-TB&XH cho hay.

Thứ hai, tại thời điểm áp dụng chính sách, địa phương có tỉ lệ NLĐ đang tham gia BHXH bắt buộc có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 bằng 0,1% trở lên.

Với đề xuất này, Bộ LĐ-TB&XH dự kiến có 300.000 NLĐ được hỗ trợ với số tiền ước tính khoảng 954 tỉ đồng.

BHXH đề xuất phương án khác

Tuy nhiên, BHXH Việt Nam cho rằng nội dung đề xuất trên không thực sự khả thi, không phù hợp với diễn biến nhanh, phức tạp, mức độ ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19. Trong khi thời điểm hiện nay đòi hỏi chính sách phải đạt yêu cầu về mở rộng đối tượng được hỗ trợ, điều kiện tiếp cận với chính sách dễ dàng, chi trả hỗ trợ ngay trong thời gian NLĐ đang cách ly.

Cạnh đó, nguồn quỹ ốm đau, thai sản dù có kết dư nhưng những năm qua số chi lớn hơn số thu. Nếu tình hình dịch diễn biến phức tạp, khó cân đối được nguồn quỹ.

Vì vậy, BHXH Việt Nam đề xuất chính sách hỗ trợ 80.000 đồng/người/ngày đối với NLĐ đã, đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp thuộc diện Fl, F2 phải cách ly y tế theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Thời gian áp dụng từ ngày ban hành chính sách đến hết ngày 31-12.

Theo báo cáo nhanh của Bộ Y tế, tính đến hết ngày 28-5, có gần 38.000 người đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung và bệnh viện, khoảng 120.000 người đang cách ly tại nhà.

“Với mức hỗ trợ 80.000 đồng/người/ngày thì trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp theo phương án có đến 30.000 người mắc, dự kiến sẽ có khoảng 1,5 triệu người phải cách ly tập trung và khoảng 4,5 triệu người phải cách ly tại nhà thì quỹ bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo được nguồn kinh phí hỗ trợ NLĐ…” - BHXH khẳng định.

Công nhân đang gặp vô vàn khó khăn

Theo anh Nguyễn Văn Hùng, công nhân công ty dệt may ở Bắc Giang, từ khi xuất hiện dịch COVID-19, cuộc sống của anh và nhiều công nhân rất khó khăn vì đơn hàng giảm. Nhưng còn may mắn khi công ty vẫn trả lương hằng tháng cho anh. Tuy nhiên, từ tháng 4 dịch xuất hiện ở Bắc Giang, công ty đóng cửa, nhiều người phải đi cách ly, nguồn thu nhập giảm mạnh.

“Tôi là F2 nên được cách ly ở nhà. Mặc dù không mất việc làm nhưng là trụ cột của gia đình nên cuộc sống của tôi vô cùng khó khăn. Vì vậy, tôi rất mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ NLĐ kịp thời để mọi người vượt qua thời gian này…” - anh Hùng chia sẻ.

Trước khó khăn của NLĐ, Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang vừa phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức “siêu thị 0 đồng” để đáp ứng nhu cầu của công nhân lao động đang bị cách ly và giúp công nhân ở khu cách ly không bị thiếu đói.

Ông Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang, nhận định trong những ngày tới, số người cách ly sẽ tăng, tình trạng khan hiếm thực phẩm, hàng hóa sẽ diễn ra cục bộ.

Trước tình trạng này, ngoài duy trì “siêu thị 0 đồng”, công đoàn sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ công tác hỗ trợ công nhân, NLĐ đang bị cách ly.

Cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh gói hỗ trợ 18 tỉ đồng của Tổng Liên đoàn Lao động để mua hàng hóa, lương thực cấp phát cho công nhân, NLĐ. Trong trường hợp thiếu sẽ tiếp tục trích từ quỹ vận động phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh để đáp ứng...

Ngày 26-5, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có văn bản gửi Chính phủ đề xuất dùng số tiền còn dư từ gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng để chi cho công nhân là F0 hoặc người phải nghỉ việc vì cách ly trong đợt dịch này.

Nguồn kinh phí có thể dùng hỗ trợ trực tiếp tiền lương ngừng việc, miễn phí tiền ăn, tiền sinh hoạt, chi phí xét nghiệm và test nhanh COVID-19 mà NLĐ đang phải trả theo quy định.

------

Trong ngày 29-5, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung ký quyết định hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em bị nhiễm COVID-19 và trẻ em phải cách ly tập trung.

Mức hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết 16/2021 của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng chống dịch COVID-19. Nguồn kinh phí từ Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam. 

 

Xem thêm: lmth.372989-2f-1f-poh-gnourt-cac-ohc-neit-ort-oh-taux-ed/ioh-ax/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Đề xuất hỗ trợ tiền cho các trường hợp F1, F2”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools