Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) tối 31-5 ghi nhận 44 ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, nâng tổng số ca nghi nhiễm trong ngày lên 51. TP tiếp tục điều tra truy vết các trường hợp tiếp xúc, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng các khu vực liên quan ca nhiễm để đánh giá nguy cơ.
191 ca mắc liên quan đến Hội thánh Phục hưng
Theo HCDC, chiều cùng ngày, quận Bình Thạnh ghi nhận bảy ca nghi nhiễm tại phường 15, đều có liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục hưng.
Theo HCDC, Hội thánh truyền giáo Phục hưng tại 415/8/4 Nguyễn Văn Công, phường 15, quận Gò Vấp, hiện đã xác minh 55 trường hợp có tham dự, từ đó ghi nhận 40 trường hợp dương tính với nCoV (chiếm 72,7%).
Từ chùm ca bệnh này đã lây lan cho 151 trường hợp khác, trong đó 104 trường hợp là tiếp xúc gần F1 với các ca bệnh thuộc hội thánh (cùng nhà, bạn bè, làm việc cùng công ty, cùng tòa nhà) và 47 trường hợp là tiếp xúc diện F2…
Người dân phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM được lấy mẫu xét nghiệm do liên quan bảy canghi nhiễm ghi nhận chiều 31-5. Ảnh: HOÀNG GIANG
Như vậy, đến nay có tổng cộng 191 trường hợp liên quan đến hội thánh này. Ngoài ra, ghi nhận thêm các ca bệnh là tiếp xúc gần của các ca bệnh thuộc hội thánh phát hiện tại các tỉnh Bạc Liêu, Bình Dương, Đắk Lắk, Long An và Trà Vinh. Có chín trường hợp liên quan đến chuỗi lây nhiễm hai vợ chồng cư trú tại quận Tân Phú.
Từ ngày 27-5, TP.HCM đã ghi nhận hai cụm dịch, chưa rõ nguồn lây. Trong đó, cụm liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục hưng lớn nhất từ trước đến nay với 191 trường hợp liên quan. Cụm lây nhiễm liên quan đến hai vợ chồng ở quận Tân Phú ghi nhận chín ca. Theo đánh giá ban đầu, hai cụm này có thể liên quan nhau.
Kết quả giải trình tự gen virus của các bệnh nhân thuộc hai chuỗi đều nhiễm biến chủng Ấn Độ. Cụm dịch này lây lan nhanh còn do nhiều người sinh hoạt trong phòng nhỏ khoảng 50 m2, không đeo khẩu trang, môi trường sinh hoạt không đảm bảo các nguyên tắc phòng chống dịch.
Thêm 211 ca COVID-19, dịch lan đến Trà Vinh Bộ Y tế tối 31-5 ghi nhận 82 ca mắc COVID-19 mới trong nước, gồm tại Bắc Giang 43, Bắc Ninh 34, Bình Dương 3, Hà Nội và Trà Vinh đều 1. Tính trong cả ngày 31-5, Việt Nam ghi nhận thêm 211 ca trong nước, chủ yếu ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội. Thêm hai tỉnh xuất hiện COVID-19 là Trà Vinh và Bình Dương, nâng số tỉnh, thành có dịch lên 36. |
Bắc Giang quyết tâm tiêm 100.000 liều vaccine trong một tuần
Chiều 31-5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, đã họp trực tuyến với tỉnh Bắc Giang về diễn biến và công tác phòng chống dịch hiện nay.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết tình hình chống dịch tại điểm nóng huyện Việt Yên đã có những biến chuyển rõ nét và theo chiều hướng kiểm soát tốt. Hiện nay địa phương tiếp tục phong tỏa, chốt chặt nâng lên một bước theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Các biện pháp này đang phát huy tác dụng trong nỗ lực chống dịch, bên cạnh đó công tác thu dung bệnh nhân và cách ly F1 được thực hiện kịp thời. Các F1 chuyển thành F0 đã ngay lập tức được chuyển tới các bệnh viện của tỉnh điều trị kịp thời.
Trong ngày 31-5, Bắc Giang đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 9.000 công nhân và tiếp tục tăng tốc vào hôm nay (1-6), quyết tâm trong một tuần sẽ tiêm xong hơn 100.000 liều vaccine được phân bổ cho công nhân trong khu công nghiệp. Tỉnh cũng đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ 200 điều dưỡng viên tại các điểm tiêm vaccine.
Qua báo cáo của tỉnh Bắc Giang, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng dù các mẫu xét nghiệm ở khu vực an toàn đều âm tính nhưng tỉnh vẫn phải cảnh giác, tiếp tục duy trì tầm soát khu vực an toàn. Điều này sẽ đảm bảo và tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ nông sản.
Đồng tình đề xuất tăng cường lực lượng của huyện Việt Yên và tăng tần suất xét nghiệm tại khu vực nguy cơ, Phó Thủ tướng yêu cầu tăng tần suất xét nghiệm với Bắc Giang để nhanh chóng phát hiện nếu có ca mắc và quản lý tốt để dịch không lây lan, không có thêm ca mới.
Các bệnh viện cần tăng cường năng lực điều trị vì đây là virus biến chủng, triệu chứng bệnh diễn biến nhanh. Đã có những bệnh nhân trẻ tử vong, có cả ca có bệnh nền và ca không có bệnh nền.
Việc thực hiện quy trình tiêm vaccine, đặc biệt tại vùng đang có dịch cần tuân thủ đầy đủ các bước, từ tư vấn, khám sàng lọc, theo dõi, chuẩn bị kỹ các tình huống xử trí các phản ứng sau tiêm…
Chống dịch COVID-19: Trao quyền cho chính quyền địa phương Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 vừa ban hành Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG về quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng chống dịch COVID-19. Quy định này nhằm cụ thể hóa và chi tiết hơn các chỉ thị 15, 16 và 19 của Thủ tướng Chính phủ. Đáng chú ý, quy định chỉ ra các yếu tố dịch tễ cơ bản để xác định mức độ nguy cơ ban đầu, được thể hiện tới cấp xã trên bản đồ chống dịch tương ứng các màu sắc gồm: Nguy cơ rất cao (màu đỏ), nguy cơ cao (màu cam), nguy cơ (màu vàng) và mức độ bình thường mới (màu xanh). Ban chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế hướng dẫn áp dụng các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, phù hợp với từng mức độ cụ thể nêu trên. “Kế thừa những kinh nghiệm và bài học được đúc kết qua thực tiễn chống dịch trong ba đợt dịch vừa qua, đặc biệt là đợt dịch thứ tư đang diễn ra, quy định này đặt ra một số điểm mới so với trước đây, như vấn đề cách ly vùng y tế (phong tỏa); áp dụng tiết chế cách ly tập trung cho một số khu vực đông người, không có khả năng kiểm soát dịch bệnh hay khả năng cách ly tập trung…” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh. Điểm đáng chú ý, quy định này giao quyền cho các cấp chính quyền địa phương căn cứ mức độ đánh giá nguy cơ để chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tương ứng theo thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo phối hợp với các tỉnh, TP lân cận để đảm bảo lưu thông hàng hóa. |