Thông tin gây chấn động trong cộng đồng doanh nghiệp là 3 cá nhân đã đăng ký thành lập 2 doanh nghiệp với số vốn đăng ký lên tới… 523.000 tỉ đồng, tức là hơn 22 tỉ USD, gấp gần 3 lần tài sản của người giàu nhất Việt Nam hiện nay. Thậm chí cao hơn tổng tài sản của các tỉ phú USD tại Việt Nam hiện nay.
Theo thông tin đăng ký thì Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn Cầu (Auto Investment Group) đăng ký vốn điều lệ 500.000 tỉ đồng (hơn 21,5 tỉ USD), đặt trụ sở tại tòa nhà Bitexco Financial Tower, TP.HCM, do ba cổ đông cá nhân góp vốn.
Ông Nguyễn Vũ Quốc A (sinh năm 1986) là cổ đông lớn nhất, đăng ký góp 499.998 tỉ đồng, tương đương 99,996% vốn điều lệ.
Ngoài ông Quốc A, hai cá nhân góp vốn khác là Nguyễn Thị Diễm H và Lưu Hữu T, mỗi người đăng ký góp 1 tỉ đồng, tương đương 0,002% vốn điều lệ.
Ba cá nhân này còn góp vốn vào một doanh nghiệp khác là Công ty cổ phần Tập đoàn Kinh doanh Tự động Toàn Cầu (GAB Group). Công ty này đăng ký vốn điều lệ 25.000 tỉ đồng, đặt trụ sở tại tầng 72, tòa nhà Landmark 81, TP.HCM. Cấu trúc sở hữu cũng tương tự, khi ông Quốc Anh là cổ đông lớn nhất đăng ký góp 23.000 tỉ đồng (92%). Hai cổ đông Nguyễn Thị Diễm H và Lưu Hữu T mỗi người đăng ký góp 1.000 tỉ đồng (4%).
Thông tin này dẫn đến hai thắc mắc:
Một là con số lên đến 22 tỉ USD do 3 cá nhân sở hữu, tương đương 7-8% GDP cả nước là điều khó tin.
Thứ hai, thông tin về người sở hữu khối tài sản khổng lồ này khá “mù mờ”, đặc biệt nhân vật này mới 35 tuổi.
Vậy việc đăng ký như trên thật hay ảo?
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2020, vốn điều lệ là: Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh. Là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần. Theo đó, có thể hiểu vốn điều lệ là tổng giá trị phần vốn góp của các thành viên góp vốn hoặc cổ đông. Hoặc giá trị cổ phần đã thanh toán khi thành lập doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, vốn điều lệ do công ty tự đăng ký và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung kê khai. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp không cần phải chứng minh vốn điều lệ tại bước đăng ký doanh nghiệp.
Trừ trường hợp ngành nghề đăng ký của doanh nghiệp yêu cầu vốn pháp định thì vốn điều lệ không được thấp hơn mức vốn pháp định này. Việc chứng minh chỉ để biết doanh nghiệp có đủ điều kiện được thành lập và hoạt động ngành nghề đó hay không.
Nói cách khác, vốn điều lệ là khoản vốn được doanh nghiệp tự do đăng ký và không có ràng buộc gì với quy định của pháp luật, người góp vốn sẽ chịu trách nhiệm trên khoản vốn góp của mình. Pháp luật không quy định mức vốn điều lệ tối thiểu là bao nhiêu, hoặc mức vốn điều lệ công ty tối đa là bao nhiêu khi doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh bình thường.
Do vậy, việc cá nhân đăng ký thành lập công ty có vốn 22 tỉ USD không có nghĩa là cá nhân này sở hữu khoản tiền tương tự.
Xem thêm: odl.324519-oa-yah-taht-dsu-it-22-nov-oc-peihgn-hnaod-ueis-pal-hnaht-nahn-ut/et-hnik/nv.gnodoal