Trong thời gian gần đây, liên tiếp các đường dây mua bán hóa đơn trái phép bị cơ quan chức năng triệt phá. Với tính chất, quy mô ngày càng chuyên nghiệp, các đối tượng phạm tội đã gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước.
Lợi nhuận khổng lồ
Mới đây, ngày 30.5, tại Thanh Hóa, một đường dây mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng với tổng giá trị lên tới trên 2.000 tỉ đồng vừa bị triệt phá. 8 đối tượng trong đường dây này đã lập hàng chục công ty ma để thực hiện hành vi của mình.
Trong khoảng 10 tháng, các đối tượng đã phát hành và bán gần 5.000 chứng từ hóa đơn cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, thu lời bất chính hơn 200 tỉ đồng.
Ngày 1.6, trao đổi với PV Báo Lao Động, Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, việc mua bán hóa đơn trái phép vẫn ngầm diễn ra bởi nhu cầu về hóa đơn giá trị gia tăng của doanh nghiệp rất lớn.
Do lợi nhuận lớn đem lại, các đối tượng tội phạm bất chấp quy định của pháp luật, thậm chí vẫn tiếp tục thực hiện hành vi ngay sau khi đã chịu trách nhiệm hình sự.
"Việc mua bán hóa đơn trái phép ngày càng trở nên có tổ chức và chuyên nghiệp. Không chỉ dừng lại ở những hoạt động tự phát của cá nhân đơn lẻ, nâng khống giá trị hàng hóa mà những công ty ma này còn có sự câu kết với nhiều những đối tượng tại địa phương bằng các hành vi: Tổ chức nhóm phụ trách công ty ma, nhóm tìm kiếm địa bàn, đối tượng có nhu cầu để cung cấp hóa đơn (là những doanh nghiệp có nhu cầu hợp thức hóa đầu vào, hợp thức hóa hàng hóa trôi nổi, nhập lậu…)" - luật sư Nguyễn Thanh Hà phân tích.
Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an
Theo chuyên gia pháp lý, các hành vi mua bán hóa đơn trái phép có thể bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn, có thể bị xử lý hình sự theo Điều 203, Bộ luật Hình sự 2015 về tội in, phát hành mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nước.
Mức phạt cho cá nhân cao nhất từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm; Đối với pháp nhân thương mại có thể bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, để ngăn chặn nạn mua bán hóa đơn trái phép, cơ quan thuế cần tăng cường phối hợp với các ngân hàng thương mại, cơ quan công an để kiểm tra, xử lý các trường hợp người nộp thuế có dấu hiệu sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
Trước đó, vào tháng 3.2021 tại Hà Nội và An Giang, Công an cũng liên tiếp triệt phá 2 đường dây mua bán hóa đơn lớn gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hàng trăm tỉ đồng.
Để ngăn chặn tình trạng này, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho hay, cơ quan Thuế đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an trong việc xác minh nguồn gốc hàng hóa, kiểm tra xác minh người mua, người bán từ khâu đầu đến khâu cuối; xác định rõ dấu hiệu, hình thức và thủ đoạn vi phạm về in, phát hành, sử dụng hóa đơn không hợp pháp nhằm trốn thuế, hoặc có dấu hiệu mua bán hóa đơn của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục chỉ đạo toàn ngành tập trung rà soát, giám sát các doanh nghiệp có rủi ro cao về hóa đơn; thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thuế và công tác phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về hóa đơn nhằm trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế.
Trong 2 năm gần đây, cơ quan Thuế đã tổng hợp các hành vi vi phạm mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và củng cố hồ sơ chuyển cho cơ quan Công an hàng trăm trường hợp có dấu hiệu vi phạm. Riêng năm 2019 là 135 trường hợp và năm 2020 là 162 trường hợp.
Xem thêm: odl.863519-nahc-nagn-ed-oas-mal-pehp-iart-nod-aoh-nab-aum-uv-cac-peit-neil/et-hnik/nv.gnodoal