Ngày 28/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Thái Bình đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thái Bình đề nghị truy tố hai bị can gồm: Nguyễn Văn Lẫm (SN 1962, TP Thái Bình) - Giám đốc Công ty TNHH Lâm Quyết và vợ là Phạm Thị Quyết (SN 1967), về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Theo bản kết luận điều tra vừa ban hành, Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định: Từ năm 2012 đến khi bị khởi tố, bắt tạm giam, ông Nguyễn Văn Lẫm và bà Phạm Thị Quyết đã vay của 12 cá nhân và của Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thái Bình với số tiền hơn 20 tỷ đồng.
Trong đó, có hai khoản vay 400 triệu và 500 triệu của vợ chồng ông Đỗ Văn Tới và bà Lê Thị Tuyết, trú tại thành phố Thái Bình. Vợ chồng ông Lẫm bà Quyết thế chấp chiếc xe ô tô Camry mang biển kiểm soát: 17K-9966 cho vợ chồng ông Tới để vay những khoản tiền trên. Cặp vợ chồng này cam kết không thế chấp, không bán cho, tặng chiếc xe ô tô cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào nếu không được sự thỏa thuận của ông Tới trong thời gian vay số tiền trên.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định việc vợ chồng giám đốc Công ty Lâm Quyết tự ý bán chiếc xe ô tô Camry đã thế chấp cho ông Phạm Công Tự (trú thành phố Thái Bình), để trừ số nợ vay của ông Tự là 800 triệu đồng. Cặp vợ chồng này thực hiện hành vi khi chưa trả hết số tiền vay và cũng không hỏi ý kiến ông Tới về việc bán xe cho ông Tự.
Khi ông Tới đến nhà đòi tiền, vợ chồng Lẫm, Quyết nhiều lần khất nợ. Để từ bỏ trách nhiệm, nghĩa vụ trả nợ, cặp vợ chồng này còn tạo dựng việc đã trả tiền cho ông Tới thông qua hình thức viết giấy biên nhận. Hành vi này của Lẫm và Quyết nhằm chiếm đoạt số tiền 900 triệu của vợ chồng ông Tới.
Theo kết luận điều tra, hành vi của bị can Lẫm, Quyết là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của vợ chồng ông Đỗ Văn Tới và bà Lê Thị Tuyết. Do đó, cơ quan điều tra vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố trách nhiệm hình sự đối với 2 bị can giống như bản kết luận điều tra ban hành lần đầu.
Trước đó, vào tháng 6/2019, ông Lẫm và bà Quyết bị TAND tỉnh Thái Bình tuyên phạt 14 và 13 năm tù vì tội danh "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Trong quá trình bị khởi tố, truy tố và xét xử, cả ông Lẫm và bà Quyết cùng gia đình đều làm đơn kêu oan.
Đáng chú ý, vợ chồng ông Lẫm và bà Quyết từng nhiều lần gửi đơn đến cơ quan chức năng tố cáo Nguyễn Xuân Đường (tức Đường "Nhuệ") cho "đàn em" đến công ty của gia đình để đe dọa, "chiếm giữ", lấy đi tài sản, giấy tờ của doanh nghiệp.
Ngày 28/4/2020, TAND cấp cao đã ra quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn với ông Nguyễn Văn Lẫm và bà Phạm Thị Quyết, từ tạm giam thành bảo lãnh tại ngoại trong thời gian chờ phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Đến ngày 11/5/2020, tại phiên xét xử phúc thẩm, TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên hủy bản án sơ thẩm, đồng thời kiến nghị VKSND Thái Bình trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại toàn bộ vụ án, hai bị can Lẫm và Quyết cũng được thay đổi biện pháp ngăn chặn thành bảo lãnh, cấm đi khỏi nơi cư trú sau gần 2 năm bị tạm giam.
Tiếp đó, ngày 27/5/2020, VKSND tỉnh Thái Bình ra quyết định trả hồ sơ để Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Thái Bình điều tra lại theo thẩm quyền.
Quá trình điều tra lại, cơ quan điều tra cho hay đã tiến hành làm rõ, giải quyết 7 nội dung yêu cầu, kiến nghị của HĐXX TAND cấp cao tại Hà Nội trong phiên xét xử phúc thẩm.
Trong đó, về khoản vay 1,7 tỷ đồng bị can Lẫm, Quyết vay của Nguyễn Thị Dương (vợ Đường "Nhuệ") có giấy biên nhận vay tiền nhưng không thể hiện lãi suất vay, thời hạn trả nợ. Căn cứ tài liệu, chứng cứ đã thu thập, không đủ cơ sở kết luận Nguyễn Thị Dương có hành vi cho vay lãi nặng.
Đức Văn