vĐồng tin tức tài chính 365

Phạt người có smartphone không cài Bluezone: Chưa ổn!

2021-06-02 07:24

Ngày 29-5, Bộ Y tế ban hành Quyết định 2666 (có hiệu lực ngay) về việc ban hành hướng dẫn sử dụng các ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần phục vụ phòng chống dịch COVID-19. Đây là động thái cần thiết, kịp thời trong bối cảnh dịch COVID-19 có nguy cơ bùng phát trên nhiều địa phương.

Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn về tính khả thi của việc yêu cầu UBND các tỉnh, thành “chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện… xử phạt các trường hợp có điện thoại thông minh nhưng không thực hiện cài đặt, sử dụng ứng dụng theo quy định…”.

Không thể phạt vì pháp luật chưa quy định

Hiện nay, có ba ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần gồm: 1) Vietnam Health Declaration (VHD) và tokhaiyte.vn, 2) Bluezone và 3) NCOVI.

Theo ThS Đoàn Kim Vân Quỳnh, giảng viên Khoa luật Trường ĐH Văn Lang, để xác định căn cứ cho việc xử phạt nêu trên, cần phải xem xét nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3 Luật XLVPHC 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Đó là “chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định”. Nghĩa là thẩm quyền XLVPHC chỉ phát sinh nếu có văn bản pháp luật ghi nhận về hành vi vi phạm.

Phạt người có smartphone không cài Bluezone: Chưa ổn! - ảnh 1
Người dùng cài đặt thành công ứng dụng Bluezone trên điện thoại thông minh. Ảnh: HOÀNG GIANG

Mặt khác, đối với hành vi không thực hiện “biện pháp bảo vệ cá nhân” của người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế (khoản 1 Điều 12 Nghị định 117/2020) sẽ bị XPVPHC 1-3 triệu đồng.

Tuy nhiên, các “biện pháp bảo vệ cá nhân” theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 51 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 chỉ bao gồm: “a) Trang bị bảo vệ cá nhân; b) Sử dụng thuốc phòng bệnh; c) Sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế để phòng bệnh; d) Sử dụng hóa chất diệt khuẩn, hóa chất phòng trung gian truyền bệnh”.

“Từ đó có thể kết luận việc không cài đặt các ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc (trong đó có Bluezone) không phải cơ sở để bị XLVPHC như đã phân tích ở trên. Nói cách khác, chưa có quy định nào cho phép việc xử phạt như vậy” - ThS Vân Quỳnh nói.

Đồng tình, TS Thái Thị Tuyết Dung, giảng viên Khoa luật Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, cho rằng đề xuất xử phạt của Bộ Y tế là bất bình đẳng và không khả thi. Nếu phạt thì thủ tục xử phạt sẽ vướng ngay đến quy định về quyền riêng tư, đó là thủ tục mở điện thoại của người khác để kiểm tra. Rồi làm sao biết được một người có mang smartphone nơi công cộng hay không. Lúc đó lại phải thêm một thủ tục là ban hành quyết định về việc khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính (theo Điều 128 Luật XLVPHC).

“Nếu quy định này áp dụng thì thấy ngay sự bất bình đẳng trong xử phạt, tức chỉ xử phạt khi biết rõ người đó sở hữu smartphone, còn người không có smartphone hoặc không bị phát hiện đang sở hữu smartphone thì không bị xử phạt” - TS Tuyết Dung nói.

 

Phạt vì vi phạm quy định khác: Cũng không ổn

Có ý kiến cho rằng trong trường hợp này vẫn có thể vận dụng khoản 2 Điều 14 Nghị định 117/2020 (vi phạm quy định khác về y tế dự phòng) để xử phạt. Theo đó, “phạt tiền 5-10 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền…”.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, việc áp dụng quy định này để xử phạt người sử dụng smartphone không cài Bluezone là không ổn, không thuyết phục. Chưa nói, nếu so với hành vi không đeo khẩu trang chỉ bị phạt đến 3 triệu đồng, còn “có smartphone không cài Bluezone” lại bị phạt đến 10 triệu đồng là quá vô lý.

Chỉ nên khuyến khích cài đặt

ThS Trương Trọng Hiểu, Phó Phòng sau đại học và khoa học công nghệ, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, cho rằng có nhiều vấn đề bất cập liên quan đến việc bắt buộc phải cài Bluezone, nếu không sẽ bị phạt.

“Hiệu quả của Bluezone như thế nào? Tại sao phải bắt buộc cài đặt ứng dụng này? Xử phạt theo trình tự, quy định nào? Người sở hữu smartphone hay người sử dụng smartphone là người bị xử phạt? Việc cài đặt và bật ứng dụng được xác định như thế nào nếu điện thoại không kết nối Internet, hay việc kết nối Internet cũng là bắt buộc?... Những băn khoăn này vẫn chưa được cơ quan có trách nhiệm nào giải thích thỏa đáng để người dân an tâm về vấn đề bảo mật” - ThS Hiểu nói.

ThS Vân Quỳnh dẫn bài viết mà Bộ Y tế đã đăng trên website ngày 31-5, hướng dẫn cụ thể người bị xử phạt trong trường hợp này là “người thuộc diện cách ly y tế hoặc giám sát y tế sau cách ly có điện thoại thông minh phải cài đặt ứng dụng khai báo y tế (VHD) và ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần”.

ThS Vân Quỳnh đánh giá: “Như vậy, Bộ Y tế đã xác định rõ không phải bắt buộc tất cả phải cài đặt các ứng dụng này, mà chỉ những người đáp ứng cả hai điều kiện: Thuộc diện cách ly y tế hoặc giám sát y tế sau cách ly, có smartphone”.

Cả ba chuyên gia cùng chung quan điểm rằng cần áp dụng mọi biện pháp cần thiết để chống dịch hiệu quả trong bối cảnh đại dịch đang diễn ra hết sức phức tạp tại Việt Nam là cần thiết. Tuy nhiên, chỉ nên khuyến khích cài đặt chứ không thể bắt buộc bởi việc xử phạt là không phù hợp với các quy định của pháp luật hành chính. Nếu xử phạt nhanh, vội dễ dẫn đến việc người dân không tâm phục khẩu phục.

 

Người dùng tùy chọn chế độ cảnh báo

Tại Nhật Bản, chế độ cảnh báo động đất, sóng thần và thiên tai luôn được cài đặt và mặc định chế độ “Bật” cho các smartphone khi người mua kích hoạt. Việc này được triển khai bởi các nhà mạng dưới một nghĩa vụ bắt buộc. Để chủ động và tránh bị làm phiền, người sử dụng sau đó có thể chuyển sang chế độ “Tắt”.

Thực tế, Việt Nam cũng đang triển khai khá hiệu quả phương thức này.

Theo tôi, sẽ hợp lý hơn nếu tận dụng khai thác ứng dụng Bluezone theo hướng này.

ThS TRƯƠNG TRỌNG HIỂU, Phó Phòng sau đại học và khoa học công nghệ, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM

Hoàn thiện cơ sở pháp lý để xử phạt đúng luật

Ở một số nước như Hàn Quốc, Singapore, việc cài đặt các ứng dụng có tính năng tương tự là bắt buộc đối với người dân cũng như người nước ngoài khi nhập cảnh hoặc lưu trú tại các quốc gia này. Người nước ngoài có thể bị từ chối cho nhập cảnh hoặc bị trục xuất nếu không sử dụng các ứng dụng này.

Để việc triển khai các hoạt động kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam được khả thi, phù hợp với luật, cần hoàn thiện các văn bản pháp lý về phòng chống bệnh truyền nhiễm cũng như các quy định về XLVPHC trong lĩnh vực này.

ThS ĐOÀN KIM VÂN QUỲNH, giảng viên Khoa luật Trường ĐH Văn Lang

Xem thêm: lmth.406989-no-auhc-enozeulb-iac-gnohk-enohptrams-oc-iougn-tahp/taul-pahp/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Phạt người có smartphone không cài Bluezone: Chưa ổn!”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools