Giá dầu thế giới tiếp tục duy trì đà tăng và lập đỉnh cao nhất nhiều năm đang gây áp lực lớn cho giá xăng dầu trong nước.
Cụ thể trong phiên giao dịch sáng nay (ngày 2.6 theo giờ Việt Nam), giá dầu ngọt WTI của Mỹ có thời điểm tăng tới 1,76 USD lên 68,07 USD/thùng.
Cùng thời điểm, giá dầu thô biển Bắc (Brent) cũng tăng mạnh 0,38 USD lên 70,63 USD/thùng.
Với mức giá giao dịch hiện nay, theo bảng thống kê của trang Oilprice, giá dầu ngọt WTI của Mỹ đang giữ đỉnh giá cao nhất lập được trong nhiều năm qua, tính từ thời điểm tháng 10.2018 đến nay.
Tương tự, với mức giá hiện nay, giá dầu Brent đang lập đỉnh giá cao nhất tính từ tháng 4.2019.
Nhu cầu tiêu dùng xăng dầu toàn cầu tăng cao trong bối cảnh nhiều nước đang đối mặt với tình trạng nắng nóng, bất chấp những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19. Đây là yếu tố chính khiến giá dầu tăng vọt trên thị trường thế giới.
Tại thị trường Mỹ, nhu cầu xăng tăng tới 9,6% trong ngày cuối cùng của tháng 5.2021 so với mức trung bình của 4 Chủ nhật trước đó và thông tin dự trữ dầu thô của Mỹ dự kiến giảm 2,1 triệu thùng tác động mạnh tới giá dầu thế giới.
Hoạt động sản xuất của các nhà máy của Trung Quốc cũng tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong năm nay vào tháng 5.2021, cũng là yếu tố cộng hưởng vào đà đi lên của giá dầu thế giới.
Thực tế, trong tháng 4.2021, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC quyết định cung cấp trở lại 2,1 triệu thùng dầu/ngày cho thị trường trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7 do sớm dự đoán nhu cầu toàn cầu tăng cao.
Tại thị trường trong nước, giá dầu thế giới tăng cao đang gây nhiều áp lực đến công tác điều hành bình ổn giá xăng dầu cũng như trong việc kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng.
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), việc giá xăng, dầu trong nước bình quân 5 tháng tăng 12,08% so với cùng kỳ năm trước là một trong những nguyên nhân chính làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 5 tháng đầu năm 2021.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác là giá gas trong nước cũng biến động theo giá gas thế giới và theo tính toán trong 5 tháng đầu năm, giá gas tăng 15,32% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, lạm phát cơ bản tháng 5.2021 tăng 0,15% so với tháng trước, tăng 1,13% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2021 lạm phát cơ bản tăng 0,82% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,29%) và điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu và giá gas tăng.
Xem thêm: odl.388519-coun-gnort-uad-gnax-aig-gnan-ed-gnat-cul-pa/et-hnik/nv.gnodoal