Trên thương trường, thương hiệu Công ty Cổ phần Xây dựng Minh Anh (Xây dựng Minh Anh) gắn liền với việc trúng thầu tại các công trình thủy lợi lớn, có quy mô từ vài chục đến hàng trăm tỉ đồng trên cả nước. Mặc dù vậy, nếu phân tích sâu hơn "sức khỏe" tài chính của Xây dựng Minh Anh, sẽ thấy tiềm ẩn những rủi ro.
Liên tục trúng các gói thầu trăm tỉ
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Xây dựng Minh Anh được thành lập năm 2006, có trụ sở chính tại Khu công nghiệp Kiện Khê I, thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.
Công ty Xây dựng Minh Anh có 2 người đại diện pháp luật là Phạm Hồng Minh và Nguyễn Đức Quyền. Trong đó, ông Phạm Hồng Minh giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện pháp luật, Tổng giám đốc là ông Nguyễn Đức Quyền. Đây cũng là 2 cổ đông lớn nhất của Xây dựng Minh Anh.
Doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác. Ngoài trụ sở chính tại Hà Nam, Xây dựng Minh Anh còn có chi nhánh/văn phòng đại diện tại Hà Nội, TP. HCM, An Giang, Quảng Bình... Hệ sinh thái của Xây dựng Minh Anh còn có Công ty Cổ phần Xây dựng Minh Anh 8; Công ty TNHH Xây dựng Phú Thành; Công ty TNHH Xây dựng Thành An.
Chỉ tính riêng trong quý I/2021, Công ty Xây dựng Minh Anh đã trúng 2 gói thầu lớn với tổng giá trị lên đến 208,93 tỉ đồng.
Cụ thể, ngày 5.2.2021, Ban Quản lý các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc đã ký Quyết định số 15/QĐ-VPMO về việc phê duyệt Liên danh Minh Anh và Thủy lợi - Thủy điện (Công ty Cổ phần tư vấn và xây dựng công trình Thủy lợi thủy điện) là nhà thầu thực hiện dự án Thi công điều tiết Lạc Ý, điều tiết Vĩnh Sơn, nạo vét sông Phan đoạn từ cửa ra Đầm Vạc đến cổng Sáu Vó 2 (CW-05) thuộc dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc, vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB). Giá trị gói thầu là 92,368 tỉ đồng.
Ngày 26.3.2021, Ban Quản lý các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục ký Quyết định số 33/QĐ-VPMO phê duyệt kết quả lựa chọn Liên danh Minh Anh và Công ty Cổ phần xây dựng đê kè và phát triển nông thôn Hải Dương thực hiện dự án Thi công kênh hút và hồ điều hòa trạm bơm Nguyệt Đức, thuộc dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc, vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB). Giá trị gói thầu là 116,568 tỉ đồng.
Ngoài ra, Xây dựng Minh Anh cũng dự thầu tại gói thầu VY-CW04: Cung cấp và lắp đặt thiết bị cho nhà máy xử lý nước thải, bên mời thầu vẫn là Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc. Gói thầu trị giá 106,693 tỉ đồng. Hiện gói thầu này chưa có kết quả.
Sức khỏe tài chính: Thấy những rủi ro
Kể từ 2016 đến nay, doanh thu của Xây dựng Minh Anh ghi nhận tăng trưởng mạnh.
Cụ thể, năm 2016, Xây dựng Minh Anh đạt 149,36 tỉ đồng doanh thu thì đến năm 2017, con số này tăng gấp đôi lên 305,323 tỉ đồng. Trong 2 năm tiếp theo (2018, 2019), doanh thu của Xây dựng Minh Anh lần lượt đạt hơn 301 tỉ đồng rồi hơn 340 tỉ đồng. Năm 2020, Xây dựng Minh Anh ghi nhận doanh thu đột phá ở mức 502,25 tỉ đồng.
Mặc dù ghi nhận doanh thu khủng nhưng lợi nhuận của Xây dựng Minh Anh rất khiêm tốn, năm 2016 doanh nghiệp lãi sau thuế là 2 tỉ đồng, năm 2017 doanh thu tăng gấp đôi nhưng lãi ròng của Xây dựng Minh Anh chỉ còn 1,5 tỉ đồng.
Đáng nói, trong 3 năm 2018 đến 2020, Xây dựng Minh Anh liên tục lỗ, lần lượt là -20,5 tỉ đồng, năm 2019 lỗ sâu tới -35,38 tỉ đồng và 2020 lỗ -22,87 tỉ đồng.
Kết thúc năm 2020, Công ty Xây dựng Minh Anh lỗ lũy kế -79,95 tỉ đồng.
Bên cạnh điểm gợn là sự tương phản giữa doanh thu và lợi nhuận, bảng cân đối kế toán của Xây dựng Minh Anh giai đoạn 2016 - 2020 còn cho thấy nguy cơ xấu khi doanh nghiệp này lệ thuộc lớn vào nguồn vốn chiếm dụng.
Giai đoạn 2016 - 2020, tổng tài sản (nguồn vốn) của Xây dựng Minh Anh liên tục tăng từ 308,68 tỉ đồng (2016) lên 690,46 tỉ đồng (2020). Tuy nhiên, phần lớn tài sản (nguồn vốn) của Xây dựng Minh Anh được hình thành từ nợ phải trả.
Trong 3 năm gần đây, từ 2018 đến 2020, Xây dựng Minh Anh liên tục tăng vốn điều lệ, từ 60,5 tỉ đồng (2017) lên 75,5 tỉ đồng (2019) và 123,7 tỉ đồng (2020). Tuy nhiên, kết quả kinh doanh kém đã khiến vốn chủ sở hữu của Xây dựng Minh Anh bị bào mòn hàng chục tỉ đồng.
Trong suốt giai đoạn 2016 - 2020, thời điểm mà Xây dựng Minh Anh ít “ốm yếu” nhất là năm 2017, khi hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu (D/E) của doanh nghiệp ở mức 5,6 lần. Trước đó, năm 2016, hệ số D/E của Xây dựng Minh Anh là 16,31 lần; năm 2018 hệ số D/E ở mức 12,46 lần.
Đáng chú ý, năm 2019, nợ phải trả của Xây dựng Minh Anh lên tới 595,43 tỉ đồng, gấp hơn 32 lần vốn chủ sở hữu (18,41 tỉ đồng).
Sang năm 2020, nợ phải trả của Xây dựng Minh Anh tiếp tục tăng lên 646,72 tỉ đồng. Do vốn chủ sở hữu tăng lên 43,7 tỉ đồng nên hệ số D/E giảm từ 32 lần (2019) xuống 14,7 lần, đây vẫn là một hệ số rất cao.
Xem thêm: odl.611519-or-iur-na-meit-hnihc-iat-eohk-cus-hna-hnim-gnud-yax-nahp-oc-yt-gnoc/et-hnik/nv.gnodoal