Xử lý rác thải liên quan đến dịch COVID-19 - Ảnh: LÊ PHAN
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 2-6, ông Cao Văn Tuấn - trưởng phòng Công nghệ môi trường và kiểm tra chất lượng công ty Môi trường đô thị TP.HCM - cho biết lượng rác thải liên quan tới dịch COVID-19 thời gian qua tăng rất nhanh.
"Từ khi thành phố trưng dụng Ký túc xá Đại học Quốc gia và phong tỏa thêm các khu vực liên quan đến các ca nhiễm thì rác hằng ngày người dân sẽ trở thành rác nguy hại. Lượng rác trong đợt dịch trước chỉ khoảng 6-7 tấn mỗi ngày (bao gồm cả rác y tế) thì hiện nay đã tăng lên gần 40 tấn mỗi ngày." - ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn công suất của nhà máy xử lý rác nguy hại mà công ty đang vận hành chỉ đốt được 42 tấn/ngày đêm. Nếu lượng rác còn tăng nữa sẽ quá tải dẫn tới tồn đọng trong môi trường.
Ông Tuấn kiến nghị thành phố nên hướng dẫn các địa phương vận động người dân trong các điểm cách ly, giãn cách phân loại rác y tế riêng, rác sinh hoạt riêng để giảm bớt lượng rác nguy hại đưa về nhà máy đốt.
Đối với rác thải như khẩu trang, đồ bảo hộ sẽ được xử lý riêng theo quy định còn rác còn lại có thể đưa về các bãi chôn lấp, xử lý bằng cách chôn lấp tiêu hủy tương tự xử lý các đợt dịch gia súc gia cầm.
Ông Tuấn cho biết thêm hiện nay một số nơi lực lượng thu gom rác dân lập đã "bỏ của chạy lấy người" do sợ thu gom rác này có thể nhiễm bệnh. Phía công ty được yêu cầu nhận xử lý luôn phần này nên cần phải trang bị cho công nhân đồ bảo hộ an toàn, lâu hơn là tiêm phòng vắc xin.
TTO - Mọi người được khuyến cáo ở trong nhà. Thế nhưng những công nhân thu gom rác là người phải ra đường dọn hàng ngàn tấn rác, trong đó có rác thải y tế nguy hại từ các khu cách ly, bệnh viện dã chiến thải ra.
Xem thêm: mth.90104234120601202-iat-auq-gnad-mchpt-iat-91-divoc-nauq-neil-iaht-car/nv.ertiout