Thí sinh dự thi vào lớp 10 năm học 2020-2021 tại Hà Nội. Kỳ thi năm nay sẽ có những điều chỉnh so với năm trước do dịch COVID-19 phức tạp hơn - Ảnh: CHU HÀ LINH
Thi vào thứ bảy, chủ nhật
Theo đó, kỳ thi sẽ diễn ra vào ngày 12 và 13-6 (thứ bảy, chủ nhật) với khối không chuyên.
Việc điều chỉnh thi vào các ngày nghỉ cuối tuần nhằm tập trung cho việc đảm bảo an toàn cho thí sinh và những người tham gia kỳ thi trong tình huống có dịch bệnh.
Thời gian làm bài thi được rút ngắn để thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT công lập khối không chuyên chỉ thi trong 2 buổi sáng, thay vì 3 buổi trong 2 ngày như trước.
Cụ thể, sáng 12-6: Thi Ngữ văn 90 phút và Ngoại ngữ 45 phút.
Sáng 13-6: Thi Toán 90 phút và Lịch sử 45 phút.
Ngày 14-6 và 15-6, thí sinh dự thi vào các trường, khối chuyên của Hà Nội và chương trình song bằng sẽ dự thi các môn chuyên và môn thi của chương trình song bằng.
Trước đó, Sở GD-ĐT cũng có tờ trình với UBND TP Hà Nội về phương án điều chỉnh tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội. Có hai phương án được đưa ra thăm dò ý kiến giáo viên, phụ huynh. Việc điều chỉnh này nhằm rút ngắn thời gian của kỳ thi trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Theo chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, nhiều hiệu trưởng trường THCS ở Hà Nội cho biết đa số giáo viên, phụ huynh đều mong muốn chọn phương án 2: Giảm buổi thi nhưng giữ nguyên thời gian thi như đã thông báo, tương ứng với đề thi tham khảo Sở GD-ĐT đã công bố trước đây.
Tuyển thẳng, xét tuyển cho nhóm thí sinh có "F"
UBND thành phố Hà Nội cũng đồng ý với đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về phương án đối với các nhóm thí sinh có "F".
Trước đó, Sở GD-ĐT Hà Nội phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan xây dựng tiêu chí để tổ chức phân loại các thí sinh đã đăng ký dự thi thành 3 nhóm.
Nhóm 1: thí sinh thuộc diện F0, F1; Nhóm 2: thí sinh thuộc diện F2 đang trong thời gian cách ly theo quy định, diện lưu trú tại địa bàn bị cách ly, phong tỏa hoặc diện khác mà không được đến trường thi do ảnh hưởng của dịch COVID-19; Nhóm 3: các đối tượng thí sinh còn lại, được phép đến trường thi.
Thời gian để phân loại đối tượng thí sinh là tính đến ngày 11-6. Các trường hợp phát sinh từ ngày 12 - 13-6 sẽ được xem xét bổ sung theo quy định. UBND quận, huyện, thị xã có trách nhiệm xác nhận đối tượng thí sinh thuộc nhóm 1, nhóm 2.
Đối với học sinh thuộc nhóm 1, UBND thành phố đồng ý với đề xuất tuyển thẳng vào trường THPT công lập mà thí sinh đã có nguyện vọng đăng ký dự tuyển theo quy định phù hợp với nơi cư trú của thí sinh.
Sở GD-ĐT khẳng định nguyện vọng trúng tuyển thẳng của thí sinh thuộc nhóm 1 không ảnh hưởng đến chỉ tiêu tuyển sinh của thí sinh thuộc các nhóm khác tại mỗi trường THPT công lập.
Nhóm 2, sở GD-ĐT Hà Nội áp dụng phương thức xét tuyển theo công thức: Điểm xét tuyển = điểm THCS + điểm trung bình môn toán + điểm trung bình môn ngữ văn + điểm trung bình môn ngoại ngữ + điểm trung bình môn lịch sử + điểm ưu tiên.
Trong đó, điểm THCS là tổng sổ điểm tính theo kết quả rèn luyện và học tập của 4 năm cấp THCS, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.
Điểm kết quả rèn luyện và học tập mỗi năm học ở cấp THCS của học sinh được tính như sau: Hạnh kiểm tốt và học lực giỏi: 5 điểm; hạnh kiểm khá và học lực giỏi hoặc hạnh kiểm tốt và học lực khá: 4,5 điểm; hạnh kiểm khá và học lực khá: 4 điểm.
Học sinh thuộc nhóm 3 sẽ dự thi bình thường tại các điểm thi, với 4 môn thi đã công bố.
Toàn TP Hà Nội có 93.362 học sinh đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022 với 4.500 phòng thi tại 190 điểm thi. Hà Nội huy động 14.500 cán bộ, nhân viên được huy động tham gia làm công tác thi (nhiều hơn năm trước 2.500 người).
Theo thông tin từ BCĐ phòng chống dịch CPVID-19 của Hà Nội thì toàn thành phố có 11 học sinh lớp 9 là F1, 133 là F2 (tính tới ngày 31-5).
TTO - Ngày 12-5, khẳng định với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Văn Đại, phó giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội, cho biết vẫn áp dụng thi 4 môn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới.
Xem thêm: mth.98415638120601202-naut-iouc-yagn-oav-01-pol-hnis-neyut-iht-hcil-iul-ion-ah/nv.ertiout