Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, rất nhiều gia đình đã phải hoãn vô thời hạn kế hoạch đi du lịch của họ. Tuy nhiên, việc đóng cửa và các biện pháp giãn cách xã hội không thể "bó chân" giới siêu giàu. Một số lượng đáng kể những người có tiền đã lựa chọn một chiếc siêu du thuyền để tận hưởng cuộc sống trong bối cảnh giãn cách.
Vài tháng qua, doanh số bán du thuyền đã tăng vọt khi những người có tiền cố gắng thoát khỏi sự hỗn loạn và không chắc chắn mà đại dịch mang đến. Hơn 1 tỷ USD đã được giới nhà giàu chi cho những chiếc siêu du thuyền trong năm 2021, trong đó phải kể đến chiếc tàu trị giá 500 triệu USD của nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos.
Dù chỉ có rất ít những người đủ khả năng sở hữu một chiếc siêu du thuyền nhưng giá của chúng chưa phải tất cả. Để duy trì những con tàu xa hoa, tráng lệ, có những khoản chi phí khổng lồ mà đại đa số chúng ta đều không biết tới.
Theo báo cáo của công ty môi giới Towergate Insurance có trị sở tại Vương quốc Anh, chủ sở hữu siêu du thuyền phải trả ít nhất số tiền tương đương 10% giá trị con tàu mỗi năm để bảo trì và vận hành chúng.
Siêu du thuyền Azzam.
Chẳng hạn như siêu du thuyền Azzam dài 180m. Nó sẽ ngốn hết của chủ sở hữu 60 triệu USD/năm chi phí vận hành và bảo trì. Điều đó có nghĩa chiếc Azzam, một trong những siêu du thuyền lớn nhất từng được chế tạo, được đồn đoán có giá khoảng 605 triệu USD.
Rupert Connor của Luxury Yacht Group cho biết: "Du thuyền là một hình thức giải trí rất ít phổ biến. Đó là số tiền nằm ngoài sức tưởng tượng của đại đa số chúng ta. Tuy nhiên, có những người siêu giàu trên khắp thế giới sẵn sàng bỏ tiền cho chúng và tạo nên ngành công nghiệp tuyệt vời này".
Connor ước tính, một chiếc du thuyền dài khoảng 50m sẽ ngốn hết 2 triệu USD chi phí vận hành mỗi năm hoặc khoảng 200.000 USD/tuần khi đang hoạt động. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là số tiền khổng lồ này được chi vào những khoản gì? CNN đã có câu trả lời.
Những chi phí để vận hành du thuyền bao gồm nhiên liệu, bến đỗ, bảo hiểm và bảo trì. Julia Skoptsova, người sáng lập công ty môi giới Smart Yachts, ước tính phí bảo hiểm cho một chiếc du thuyền dài 50m là 73.000 USD/năm trong khi chi phí nhiên liệu có thể lên tới 825.000 USD mỗi năm tùy thuộc vào khoảng cách người chủ muốn đi. Hóa đơn trung bình cho một chiếc du thuyền đi từ Caribe đến Pháp có thể vào khoảng 70.000 USD.
Tuy nhiên, đây đều là những khoản phí mà chủ sở hữu du thuyền đã tính trước. Các khoản khác như vật dụng trên tàu, đồ nội thất, tác phẩm nghệ thuật, đồ dùng y tế và ngay cả các thiết bị thể dục cũng có thể ngốn một khoản chi phí lớn. Chúng hoàn toàn không được biết đến bởi những người sử dụng dịch vụ trên các du thuyền.
"Nó gần giống như việc mua một ngôi nhà mới hoàn toàn trống trơn. Khi bạn chuẩn bị để dọn tới sống, bạn có thể sẽ ngạc nhiên với những chi phí phải bỏ ra", Skoptsova cho biết.
Tuy nhiên, tất cả những chi phí này có thể chưa là gì so với khoản phí phải trả cho thủy thủ đoàn. Theo công cụ tính toán trực tuyến của Luxury Yacht Group, một chủ sở hữu du thuyền có thể phải chi 860.000 USD để trả lương cho thủy thủ đoàn khi sở hữu một con tàu dài chừng 50m.
Connor thì ước tính chi phí cho thủy thủ đoàn chiếm từ 42-48% tổng chi phí dành cho du thuyền trong 1 năm. Tuy nhiên, việc cắt giảm chi phí cho thủy thủ đoàn thường không mang lại niềm vui cho người sở hữu du thuyền bởi những vấn đề phát sinh sẽ không được giải quyết thỏa đáng khi họ đang lênh đênh trên các đại dương, tận hưởng cuộc sống mà hiếm người có được.
"Những người có thể khai thác tối đa giá trị của du thuyền là những người tìm được một nhóm tốt. Tuy nhiên, những thứ có giá trị thường không rẻ. Tôi muốn nói rằng 99% vấn đề trên du thuyền đều bắt đầu tư thủy thủ đoàn", Connor giải thích.
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của một thuyền trưởng tốt để giúp tàu chạy tốt, người quản lý để đảm bảo mọi việc diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, chi phí thuê thuyền trưởng cho một chiếc du thuyền dài 50 m là khoảng 192.000 USD/năm. Trong khi đó, các thành viên thủy thủ đoàn cũng có mức lương 34.500 USD/năm.
Ngoài ra, chi phí kiểm định hàng năm cũng cần được tính đến. Cơ quan quản lý sẽ tiến hành đánh giá toàn diện về một chiếc du thuyền sau khoảng 3-5 năm. Chúng có thể tốn kém nhiều trăm nghìn USD. Tuy nhiên, đây chỉ là chi phí kiểm tra. Nếu phát hiện vấn đề, chi phí sửa chữa sẽ không rẻ như thế.
Thông tin liên lạc cũng là một khoản tốn kém, nhất là khi các tàu thường hoạt động xa bờ, đòi hỏi việc giữ liên lạc, truyền hình vệ tinh và Internet tốc độ cao trở nên vô cùng đắt đỏ. Chi phí liên lạc của mỗi chiếc du thuyền dài 50m sẽ là khoảng 67.000 USD/năm.
Việc di chuyển qua vùng biển của các nước cũng tốn kém trong khi chi phí neo đậu vô cùng đắt đỏ. Một số cảng biển có giá lên tới 3.675 USD/ngày đêm cho những chiếc du thuyền muốn dừng chân trong mùa cao điểm. Những khách hàng quen thì thường mua vé theo năm với mức giá thấp hơn một chút nếu so với vé ngày.
Phục vụ giới siêu giàu, những chiếc du thuyền chỉ lên đênh trên biển vài tháng mỗi năm. Sau đó, phần lớn thời gian còn lại chúng sẽ nằm ở những bến cảng. Chi phí mỗi năm có thể lên tới 350.000 USD chỉ cho riêng việc neo đậu.
Tuy nhiên, việc cho thuê du thuyền mang lại rất nhiều tiền cho chủ sở hữu. Connor ước tính rằng chỉ cần cho thuê tàu trong 12 tuần, họ có thể thu lại được toàn bộ chi phí vận hành nó trong suốt cả năm. Chỉ cần cho thuê 1 tuần mỗi tháng, chủ sở hữu sẽ hoàn vốn mà có thể sử dụng du thuyền bất cứ lúc nào họ muốn. Dẫu vậy, đây chỉ là chi phí vận hành, chưa bao gồm chi phí khấu hao.